Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,34%-6,46% năm 2023

NDO - Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023 được tổ chức ngày 10/7, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 5,64%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%; cán cân thương mại thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 3,66%; chỉ số CPI bình quân tăng 3,87%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46%; xuất khẩu giảm 2,17%; chỉ số CPI bình quân tăng 4,39%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn, bất thường

Chính phủ vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Giai đoạn sáu tháng đầu năm 2023 đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong nửa cuối năm cũng như các năm tiếp theo.

Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy, không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong một, hai quý đầu năm nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, một yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bối cảnh thời gian qua đòi hỏi chúng ta phải liên tục theo dõi, đánh giá, dự báo các diễn biến kinh tế thế giới, và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.

Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong 6 tháng đầu năm cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm và các kiến nghị, định hướng, giải pháp chính sách liên quan.