Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có 34.168 ha lúa bị thiệt hại, trong đó 9.361 ha coi như mất trắng; 3.907 ha rau màu và 4.565 ha cây ăn quả bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 890.000 m2 nhà màng, nhà lưới bị tàn phá, trong đó gần 550.000 m2 bị sụp đổ và hư hỏng nặng. Về chăn nuôi, có hơn 5.120 con gia súc, hơn 1,3 triệu gia cầm bị chết, thiệt hại về chăn nuôi ước 131 tỷ đồng. Hơn 4.300 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó diện tích thiệt hại hoàn toàn là 1.939 ha; gần 1.166 lồng nuôi cá bị thiệt hại hoàn toàn và 1.423 lồng bị thiệt hại từ 50-70%; tổng giá trị thiệt hại về thủy sản khoảng 1.047 tỷ đồng.
Ninh Giang là huyện có lượng mưa lớn nhất tỉnh (trên 470 mm) khiến hơn 2.200 ha lúa và cây rau màu bị ngập. Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Phạm Văn Khảnh cho biết: Để khắc phục những ảnh hưởng do mưa bão, khôi phục sản xuất, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nhân lực, huy động tối đa máy bơm để bơm tiêu nhanh cho diện tích bị ngập úng, nhất là diện tích ngập sâu, không được để tình trạng ngập úng kéo dài. Đối với cây lúa, nông dân đã tập trung dựng buộc đối với diện tích lúa bị đổ; chủ động kiểm tra phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh. Đối với cây rau màu, bà con thực hiện vệ sinh đồng ruộng; dựng buộc lại cây đổ, tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình kỹ thuật phù hợp từng loại cây; diện tích cây rau màu không có khả năng phục hồi thì cày vùi, làm đất để trồng cây vụ đông sớm. Diện tích nhà lưới bị hư hỏng, đổ gãy, nông dân đã sớm dựng lại, phủ lưới mới và tính toán việc trồng lại những loại cây sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, nhân dân đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tu sửa hệ thống lồng bè, gia cố lại bờ ao, công trình phụ trợ, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc) có 45 ha nhà màng, nhà lưới thuộc sở hữu của 101 thành viên. Trong bão số 3, hơn 30 ha nhà màng, nhà lưới bị tàn phá nặng nề, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và hoa màu trị giá hơn 180 tỷ đồng.
Tiếp đoàn kiểm tra của tỉnh trên cánh đồng xã Phạm Trấn, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết: Tranh thủ những ngày khô ráo sau bão, thành viên lập tức sửa sang diện tích bị hư hại, dọn dẹp đồng ruộng, rau màu bị hư hỏng và ươm, trồng cây giống cho mùa vụ mới. Các thành viên hợp tác xã đã sớm thuê nhiều đội thợ sửa chữa ở các tỉnh lân cận về dựng lại nhà màng, nhà lưới với định hướng diện tích nào thiệt hại nhẹ sẽ sửa trước để đưa vào sản xuất ngay, diện tích bị thiệt hại nặng sẽ sửa sau. Tuy nhiên do khó khăn về tài chính, nhiều nông dân chưa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn nên dự kiến để khôi phục lại toàn bộ diện tích nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại chắc cũng phải hết năm 2025. Để hỗ trợ bà con dựng lại nhà màng, nhà lưới, Công ty cổ phần Công nghệ tưới Bình Minh (Hà Nội) đã hỗ trợ giảm 1.500 đồng/m2 ni-lông (trị giá gần 1 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích phải khắc phục) và miễn phí toàn bộ cước vận chuyển về cho Hợp tác xã Tân Minh Đức. Hợp tác xã cũng đã đề nghị tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất.
Huyện Thanh Hà hiện có hơn 6.000 ha cây ăn quả lâu năm, nhiều nhất tỉnh, trong đó khoảng 3.500 ha vải, gần 1.600 ha ổi, 350 ha chuối, 240 ha bưởi và khoảng 600 ha trồng những loại cây ăn quả khác. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do bão số 3, khoảng 70% diện tích bưởi, chuối, ổi, 50% diện tích vải và các loại cây trồng khác không thể hồi phục. Nhiều diện tích trồng chuối, phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới ở nhiều xã đổ gục hoàn toàn. Diện tích trồng quất Tết ở các xã An Phượng, Thanh Sơn, Thanh Thủy coi như mất trắng bởi cây chết quá nhiều.
Dọn dẹp vườn quất bị hư hỏng, chị Ngô Thanh Tâm ở xã An Phượng (Thanh Hà) cho biết, trong khó khăn, xã và huyện đã tuyên truyền nhân dân chủ động khắc phục thiệt hại, chủ động cây giống, đợi đất khô thì vun xới lại, trồng cây theo đúng quy hoạch vùng của huyện. Với nhiều năm kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả, đa số người dân Thanh Hà có thể ươm trồng tự sản xuất được cây giống để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn lớn ở các xã Thanh Cường, Thanh Quang cũng chuẩn bị sẵn hàng chục nghìn cây giống có nguồn gốc nhập từ nhiều nơi và chiết, ghép cây bảo đảm đủ nhu cầu cây giống cung cấp cho nhân dân trong huyện.
Bão số 3 đã làm nhiều trang trại nuôi gà thịt và gia cầm ở thành phố Chí Linh thiệt hại nặng với 264.000 con gà bị chết. Ông Nguyễn Thành Hưng ở phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh cho biết, ông có 4/8 dãy chuồng sập đổ, còn lại tốc mái, hơn 1.700 con gà trọng lượng hơn 1,5 kg bị chết, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Ngay sau bão, gia đình ông đã tập trung vệ sinh khử trùng chuồng trại, dựng lại các khu chuồng, từng bước khôi phục đàn.
Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, để khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ gây ra, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, đơn vị có liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ gây ra đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau: Tổng kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ là: 885,190 tỷ đồng, trong đó ngân sách từ cấp huyện 25,084 tỷ đồng ngân sách cấp tỉnh và Trung ương là 860,107 tỷ đồng.