Phục hồi sản xuất kinh doanh cần hỗ trợ phổ quát, đồng đều

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế, việc hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết, nhưng hướng đi chủ đạo cần hỗ trợ mang tính chất phổ quát, đồng đều, để kích hoạt cả nền kinh tế cùng phát triển ổn định.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương khi trao đổi với Nhân Dân điện tử chung quanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất - kinh doanh tại tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/11,

Hỗ trợ phổ quát là hướng đi chủ đạo

Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, vấn đề lớn nhất của chúng ta là phải nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp phục hồi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, bản chất các gói hỗ trợ cần thực hiện nhanh và kịp thời, nhưng nếu nhanh và kịp thời thì phải đánh đổi sự chính xác, và do đó có thể sẽ có những chỗ chưa phù hợp. Điều đó là khó tránh khỏi, như những tồn tại và bất cập từ những gói kích thích kinh tế, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ lãi suất trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 2008 - 2009.

“Quan điểm của chúng ta trong xây dựng những gói hỗ trợ mới là thận trọng để giảm thiểu những sai sót như đã gặp phải trong các gói kích thích giai đoạn 2008 - 2009. Tuy nhiên, nếu quá thận trọng thì sẽ dẫn tới việc không kịp thời đưa vào thực hiện, hoặc có thể không giải ngân được, và do đó dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa gói hỗ trợ”, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.

Theo Tiến sĩ, gói hỗ trợ nên đi theo hướng quan trọng, chủ đạo là phổ quát, tức làm sao giảm chi phí đồng đều cho mọi doanh nghiệp, cho tất cả cùng được hưởng lợi. Như vậy sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho cả nền kinh tế cùng phát triển.

Cụ thể, trong hỗ trợ phổ quát, các chính sách về tiền tệ, đầu tư công là những chính sách mang tính đột phá, đóng vai trò then chốt, để làm sao giảm được chi phí cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và bứt phá. Thí dụ như dệt may hiện đang chiếm lĩnh thị trường rất lớn, nếu có các chính sách hỗ trợ để tăng nhanh và tiếp cận, chiếm lĩnh được thị trường thì sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành này trong giai đoạn hiện nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những công cụ rất quan trọng hiện nay để tăng nhu cầu về vốn, tăng nhu cầu việc làm và tăng vòng quay tiền tệ trong nền kinh tế. Tăng giải ngân đầu tư công còn giúp đưa nhanh các công trình đầu tư công vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng sẽ tăng nhanh, đồng thời giảm chi phí logistics và các chi phí khác cho doanh nghiệp.

Định danh doanh nghiệp tốt để hỗ trợ trọng điểm

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ đồng đều để tránh làm méo mó thị trường, trong nền kinh tế cũng có những doanh nghiệp trước đại dịch vẫn hoạt động rất tốt nhưng hiện gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần phải kết hợp vừa hỗ trợ mang tính chất phổ quát, vừa hỗ trợ mang tính chất trọng điểm để giúp các doanh nghiệp vốn đã hoạt động tốt này vực dậy sản xuất kinh doanh, thay vì tiếp tục rót vốn cho các doanh nghiệp “không làm, không nỗ lực, trở nên yếu đuối” sau đại dịch.

“Khi tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề thì cái khó là lựa chọn như thế nào, doanh nghiệp nào cần hỗ trợ nhất? Chúng ta thấy rằng, trong quá trình vận động của nền kinh tế, có những doanh nghiệp bị đào thải ra khỏi hệ thống bởi không còn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới hiện nay. Đối với những doanh nghiệp do Covid-19, hay do quá trình vận động bị đào thải thì các chuyên gia quốc tế và chúng tôi cũng thống nhất quan điểm là không nên hỗ trợ nguồn vốn mà nên hỗ trợ doanh nghiệp khác tốt hơn. Còn đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch, trước đại dịch họ hoạt động tốt, chứng tỏ họ đang trong quá trình kinh doanh tốt, vì đại dịch nên mới bị ảnh hưởng nhiều thì những doanh nghiệp này cần hỗ trợ để họ vực dậy sản xuất kinh doanh”, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, các gói hỗ trợ đang được thiết kế để nhanh chóng tiếp cận những doanh nghiệp này nhằm hỗ trợ kịp thời. Do đó, cần định danh đúng các doanh nghiệp cần hỗ trợ để có những hỗ trợ đúng, thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, hay cơ sở dữ liệu.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho rằng, sau hơn 10 năm kể từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, quản lý doanh nghiệp của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có 1 cơ sở dữ liệu số hóa rất tốt về doanh nghiệp, thí dụ như Trung tâm thông tin tín dụng CIC của Ngân hàng Nhà nước là 1 kênh có thể đánh giá được những doanh nghiệp tốt đang gặp khó khăn, hoặc cũng có thể thông qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để đánh giá được những doanh nghiệp như vậy, từ đó xác định rất dễ dàng, nhanh chóng những đối tượng này để có hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức, hiện vẫn khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này. Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, vẫn cần tính đến các giải pháp mang tính chất hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp.

“Bản chất của các doanh nghiệp phi chính thức là chi phí lao động khá cao, nên nếu hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bằng những giải pháp an sinh xã hội thì sẽ chính là cách hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp trong khu vực này”, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.