Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17 về định hướng phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống thiết yếu của nhân dân, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt miền núi. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của chương trình phát triển cây lúa nước tại những xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân có 843 hộ, 3.234 nhân khẩu đều là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Chăm), sống rải rác ở năm thôn: Phú Đồng, Phú Hải, Phú Lợi, Phú Tiến và Phú Giang. Trước đây, cứ đến vụ hè thu, ruộng đất phải bỏ hoang vì nắng hạn, nhưng năm nay nhiều cánh đồng lúa hè thu đang lên xanh tốt, đường giao thông thuận lợi đến tận từng nhà, buôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay, mới mẻ, khang trang.
Người dân xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh được mùa mía, có thu nhập cao. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ Nguyễn Văn Minh cho biết, mỗi năm từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đầu tư cho xã xấp xỉ 10 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm. Riêng xã Phú Mỡ những năm qua tập trung chuyển đổi đất màu sang trồng lúa nước và trồng rừng sản xuất. “Toàn xã đã có hai trạm bơm điện, ba đập dâng tự chảy, sản xuất được 100 ha lúa nước hai vụ trong năm, năng suất đạt 70 tạ/ha; nhờ vậy đã giải quyết được lương thực tại chỗ, xóa được nạn đói vào lúc giáp hạt; người dân được vay vốn sản xuất, trồng mía, trồng keo… đem lại thu nhập cao, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt”- đồng chí Nguyễn Văn Minh cho biết.
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17 về định hướng phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống thiết yếu của nhân dân, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt miền núi.
Huyện miền núi Sông Hinh giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, hiện có 13.813 hộ, 52.000 người; trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,9% số dân. Xuất phát điểm thấp, là huyện thành lập sau cùng của tỉnh Phú Yên, đời sống kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình giúp bà con có kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Trong đó huyện đầu tư các công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: sầu riêng, cam, sắn, mía. Đặc biệt trong giai đoạn 2019-2024, huyện miền núi Sông Hinh đã tập trung phát triển mạnh vùng nguyên liệu mía, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Đồng chí Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho biết, chỉ tính riêng niên vụ 2022-2023, huyện Sông Hinh trồng 5.311 ha mía, chiếm hơn 23% diện tích mía toàn tỉnh, năng suất trung bình đạt 70 tấn/ha, sản lượng 372 nghìn tấn, người trồng mía có tổng thu nhập hơn 500 tỷ đồng. Nhờ giá thu mua ổn định (1,3 triệu đồng/tấn), trung bình mỗi héc-ta mía đạt lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Nhờ giá mía thu mua cao, ổn định, người nông dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư mạnh cho cây mía. Đến thời điểm hiện tại, diện tích mía niên vụ 2023-2024 trên địa bàn huyện đã tăng lên hơn 6.000 ha, trong đó diện tích trồng mới là hơn 1.000 ha.
Người Chăm làng Phú Giang, xã vùng cao Phú Mỡ huyện Đồng Xuân, Phú Yên chăm sóc lúa hè thu. |
Xác định phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, đời sống người dân nâng cao là nhiệm vụ quan trọng, nhiều năm qua tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động thực hiện, với mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực. Một số địa phương phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Phú Yên đặt ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm hơn 3%, toàn khu vực phấn đấu 100% số xã, thôn, buôn có đường nhựa ô-tô đến trung tâm xã; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Trước thực tế có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên tìm cách thúc đẩy, khơi dậy ý chí quyết tâm thoát nghèo của người dân; nghiên cứu tạo thêm chính sách, điều kiện khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là đối với các xã nghèo, vùng nghèo và hộ nghèo.
Theo đồng chí HVing Y Dố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Lâm, trước đây, người dân của xã chỉ trồng được cây sắn, thu nhập bấp bênh. Từ niên vụ 2022-2023, xã Ea Lâm phối hợp Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam ký hợp đồng trồng và tiêu thụ nguyên liệu, người dân đã biết trồng cây mía và hiệu quả đem lại rất cao. Từ diện tích ban đầu chỉ vài chục héc-ta, đến niên vụ 2023-2024 toàn xã Ea Lâm phát triển lên 222,5 ha, tăng khoảng 320% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất mía bình quân toàn xã đạt hơn 70 tấn/ha, giúp nhiều hộ có thu nhập cao, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên đang tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tuy còn gặp một số khó khăn, nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Đường giao thông đi về xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân được đầu tư mở rộng, thuận tiện việc đi lại cho người dân. |
Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, nhờ các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 mà hiện nay, tình hình kinh tế-xã hội và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến tích cực. Về kinh tế, bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như mía, sắn, cao-su... gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, năng suất, chất lượng từng bước tăng lên. Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy; công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm thường xuyên hơn. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân được chú trọng. Hiện nay tất cả thôn, buôn và trường học trên địa bàn đều có chi bộ Đảng, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 5,3% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Tình hình an ninh quốc phòng được giữ vững.
Trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm hơn 3%. Phấn đấu 100% số xã, thôn, buôn có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào… ■