Ngày 18/8 phóng viên Nhân Dân điện tử có mặt tại thôn Hòa Ngãi, xã vùng cao Sơn Định chứng kiến cảnh cùng cực của nạn thiếu nước sinh hoạt đang xảy ra với người dân. Giữa trưa nắng chói chang, tại một bể nước công cộng nằm bên đường quốc lộ 19C có hàng chục người với đủ các dụng cụ đựng nước uống như can nhựa, chai dầu ăn, xô đựng nước đang chờ đến lượt. Những dòng nước chảy ra yếu ớt từ những vòi nước chung quanh bể không đủ phục vụ cho hàng trăm lượt người trong suốt ngày đêm chờ chực. Nhiều người, nhiều lần trong ngày không chờ được phải mang dụng cụ đựng nước về không.
Thiếu nước trên diện rộng
Nhà Mí Ran ở cuối thôn có 5 nhân khẩu, hằng ngày bà phải mang gùi đựng nhiều chai và can nhựa đi bộ một đoạn đường trên 2 km để lấy nước về dùng. Mí Ran chia sẻ, nhiều hôm phải dậy sớm 3-4 giờ sáng đi lấy nước, nhưng rất đông người lấy. Mình đã chờ ở đây hai tiếng rồi, khó khăn lắm mới hứng đủ một can nước về cho gia đình ăn, uống, sinh hoạt…”.
Ông La Lang Tiếng, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định cho biết, cả thôn có 141 hộ là người Chăm H’roi, sử dụng nguồn nước từ công trình nước sạch tự chảy cách làng 5 km. Bình thường nước dẫn về chứa vào bốn bể nước công cộng tại bốn điểm dân cư cho dân sử dụng. Nhưng nắng nóng kéo dài, nước trên đầu nguồn công trình đã cạn, nước về rất ít chỉ đủ chứa một trong bốn bể nước, nên hàng trăm con người chỉ lấy nước ở một điểm này.
“Cả thôn phải tập trung lấy nước một chỗ, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất cao. Do vậy thôn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, vận động người dân tìm kiếm nguồn nước tại các ao, khe suối để tắm giặt, để dành nguồn nước ít ỏi này để dùng ăn uống”, La Lang Tiếng nói.
Trao đổi về câu chuyện thiếu nước sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Minh Hoài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Định chia sẻ, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra hằng năm, vì Sơn Định là xã vùng cao, trung bình 400m so với mực nước biển. Năm nay hơn sáu tháng qua không có mưa, hầu hết các giếng nước đều đã cạn kiệt. Xã có 4 thôn Hòa Bình, Hòa Ngãi, Hòa Thuận và Hòa Nghĩa có tổng số hộ hơn 600 với hơn 2.000 nhân khẩu, đã có 40% hộ thiếu nước, riêng thôn đồng bào dân tộc thôn Hòa Ngãi 90% hộ thiếu nước nghiêm trọng.
Theo ông A Lê Y Bớ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, cho đến thời điểm này đã có 1.450 hộ dân thiếu nước, tập trung ở các xã vùng cao, dân tộc thiểu số như Sơn Định, Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Phước Tân, Cà Lúi… Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Sơn Hòa đã có 1.570/ 6.199 giếng nước khô cạn, nhiều công trình nước sạch tập trung cũng không đủ nước cung cấp cho người dân.
Không riêng gì các địa phương miền núi, những xã ven biển của tỉnh Phú Yên cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Như huyện ở thị xã Sông Cầu gần 900 hộ, huyện Tuy An 834 hộ. Thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An tình trạng thiếu nước diễn ra trên 20 năm nay. Người dân sử dụng nguồn nước từ các khe núi dẫn về bằng đường ống nhựa tự làm.
Thời gian gần đây, thôn Tân Lập được các tổ chức cá nhân chung tay khoan giếng và xây hai hồ chứa nước cho người dân sử dụng với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, thời tiết năm nay quá khắc nghiệt, nước không đủ bơm lên hồ, bà con phải thức khuya, dậy sớm, chờ nước lên mang về dùng. Lo ngại nhất là địa phương xã An Mỹ đang cách ly theo Chỉ thị 16 vì có nhiều ổ dịch, việc tập trung đông người cùng một thời điểm để lấy nước rất dễ lây lan dịch bệnh.
Cấp bách tìm nguồn nước cho dân
Tại huyện Tuy An, trong lúc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong khi nhiều khu vực dân cư đang cần nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên dùng xe 7 xe bồn chở nước hỗ trợ hàng trăm hộ dân thôn Tân Hòa (xã An Hòa Hải), thôn Phong Phú (xã An Hiệp) giúp bà con vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Hoài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa tại lúc đỉnh điểm như hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn vài giếng có nước, người dân trong thôn tự phát hình thành dịch vụ cung cấp nước với giá thỏa thuận 50.000 đồng đến 80.000 đồng/m3. “Cả xã có bốn gia đình giếng nước còn đầy, sử dụng những công cụ thô sơ như máy cày, xe tải nhỏ có lắp mô tơ bơm nước trên xe, chở các bồn nhựa một vài khối nước đi đến tận từng nhà để phục vụ, chia sẻ lẫn nhau cho qua lúc khó khăn. Xã cũng vận động, tuyên truyền người dân cùng đoàn kết, sẻ chia đối với những hộ nghèo khó, người già neo đơn có nước dùng hằng ngày”.
Ông Ngô Đình Nghĩa thôn Hòa Bình, xã Sơn Định là một trong bốn hộ dân trong xã hằng ngày chở nước phục vụ bà con. Tận dụng nguồn nước giếng nhà còn nhiều, ông Nghĩa mua một bồn nhựa có dung tích một khối nước, để trên khung chiếc cộ bò, sử dụng động cơ của máy cày tay chở nước đi cung cấp cho khắp làng trên, xóm dưới. “Mỗi ngày tôi chở được 7 đến 10 chuyến có thu phí cho các hộ dân thôn Hòa Bình có nhu cầu. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ốm đau, tôi cũng giảm trừ giúp đỡ không lấy tiền…”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn gây ra thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, năm 2020 các địa phương đã tổ chức thực hiện khoan 61 giếng, đào mới 5 giếng, 7 túi đựng nước, 3 bồn chứa nước với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng, trong đó các địa phương đề xuất tỉnh hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng. Riêng năm 2021, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân của các địa phương là 5,2 tỷ đồng, trong đó: huyện Sơn Hòa 4,16 tỷ và thị xã Sông Cầu hơn một tỷ đồng.
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, vừa qua, địa phương đã khảo sát, lên kế hoạch khoan thêm 30 giếng nước và cải tạo, đào sâu thêm một số giếng cũ với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân. Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho tạm ứng nguồn kinh phí khắc phục thiếu nước sinh hoạt năm 2021 để sớm triển khai. Trong trường hợp khô hạn tiếp tục kéo dài và xảy ra trên diện rộng thì địa phương sẽ có phương án chở nước cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho người dân mua nước phục vụ sinh hoạt cấp thiết hằng ngày.
Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên từ đầu mùa nắng tỉnh đã có công văn chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan tham mưu nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương thực hiện khoan giếng, đào giếng, mua bồn và túi chứa nước để thực hiện cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách theo phương án phòng, chống hạn hán thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Trong năm 2020, về lâu dài, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh thực hiện đầu tư bằng được các công trình cấp nước nông thôn tập trung có tính bền vững, ít chịu tác động của yếu tố khí hậu. Tỉnh Phú Yên đã đề xuất và được Trung ương đưa vào thực hiện dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), giai đoạn 2021-2025; khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại các xã miền núi thường xuyên xảy ra thiếu nước…