Phú Thọ phát huy năng lực, sở trường của cán bộ qua công tác luân chuyển

Thực tế công tác luân chuyển cán bộ ở Phú Thọ cho thấy, phần lớn cán bộ luân chuyển khẳng định được năng lực, khiêm tốn học hỏi, chịu khó đi cơ sở, chủ động trong lãnh đạo, điều hành, tham mưu triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ được phân công.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Huyện ủy Tam Nông Vương Đức Thủy (người đầu tiên bên trái) kiểm tra chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bí thư Huyện ủy Tam Nông Vương Đức Thủy (người đầu tiên bên trái) kiểm tra chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn là giải pháp hiệu quả gắn với thực tế ở tỉnh Phú Thọ. Song song với thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, cấp ủy, các cấp đã có bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài.

Khẳng định qua thực tiễn

Tháng 12/2022, đồng chí Ngô Quang Ước, sinh năm 1977 đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải được Tỉnh ủy điều động giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê. Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ, bản thân đồng chí cũng có nhiều tâm tư vì chuyển vị trí công tác từ một lĩnh vực chuyên môn sâu sang làm công tác chính quyền, phụ trách nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải bao quát rộng hơn. Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao cùng tinh thần chủ động, cầu thị, đồng chí nhanh chóng nắm bắt địa bàn, cùng lãnh đạo UBND huyện điều hành thông suốt, hiệu quả các mặt hoạt động.

Đồng chí Ngô Quang Ước chia sẻ, thử thách đầu tiên khi nhận nhiệm vụ là xử lý nhiều việc phát sinh từ hai dự án lớn là xây dựng Khu công nghiệp Cẩm Khê và đường liên vùng nối tỉnh Phú Thọ với tỉnh Yên Bái. Đây là hai dự án trọng điểm đang có khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Do có kinh nghiệm triển khai các dự án giao thông khi công tác ở tỉnh, đồng chí dành nhiều thời gian đi cơ sở, gặp gỡ người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Có những lúc tưởng chừng việc giải phóng mặt bằng đi vào bế tắc. Nhưng với cách làm vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, sự đồng lòng của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hai dự án trên cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đồng chí Ngô Quang Ước thông tin thêm, việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cơ sở đã giúp đồng chí tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý nhà nước.

Thông tin từ Ban tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 167 lượt cán bộ, trong đó, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là năm lượt đồng chí; cán bộ diện các địa phương, đơn vị quản lý là 162 lượt đồng chí, trong đó, luân chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã là 25 đồng chí; từ cấp xã lên cấp huyện là chín đồng chí; luân chuyển từ xã này sang xã khác là 53 đồng chí; luân chuyển giữa các phòng, ban cấp huyện là 72 đồng chí…

Tại Đảng bộ huyện Tam Nông, vai trò người đứng đầu là cán bộ luân chuyển cũng được thể hiện rõ nét. Bằng chứng là các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách ngày càng tăng. Từ một huyện nghèo, chỉ sau hơn một nhiệm kỳ, Tam Nông đã trở thành huyện nông thôn mới và là điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh Phú Thọ; trong đó, có dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông có quy mô gần 500 ha, lớn nhất tỉnh.

Trong đó có vai trò người đứng đầu cấp ủy. Bí thư Huyện ủy Vương Đức Thủy chia sẻ: Cuối năm 2018, khi được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Tam Nông, bản thân tôi cũng có nhiều trăn trở tìm giải pháp nào để đưa huyện Tam Nông ngày càng phát triển. Tôi thấy rằng khi có sự đoàn kết, đồng lòng của cả tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thì việc gì cũng sẽ thành công. Bởi vậy, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo vừa nghiên cứu, vừa học hỏi, vừa lắng nghe sau đó thống nhất tìm ra những thế mạnh của huyện để phát triển.

Đồng chí Vương Đức Thủy cho biết thêm, khó khăn khi luân chuyển về địa phương công tác là cần nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu, làm quen thực tiễn địa phương, phong tục tập quán, nắm kỹ tình hình để xây dựng quyết sách phát triển cho thật trúng, thật đúng; khi hiểu rõ sẽ chuyển hóa từ khó thành động lực, giúp cán bộ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn, trưởng thành nhanh hơn.

Nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ

Kinh nghiệm được các cán bộ luân chuyển chia sẻ, đó là, sau một thời gian làm quen với địa bàn, cơ sở, cán bộ có phương pháp lãnh đạo toàn diện hơn, đề xuất được nhiều ý kiến sát với thực tế, từng bước trưởng thành trên cương vị công tác mới. Khi năng lực, uy tín đã được chứng minh, ở các địa phương, đơn vị có cán bộ được luân chuyển đến luôn bảo đảm nội bộ ổn định, đoàn kết. Một số đồng chí được cấp ủy địa phương quy hoạch vào vị trí lãnh đạo cao hơn.

Trải qua các vị trí từ lãnh đạo huyện Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh và Khối các cơ quan tỉnh, đồng chí Nguyễn Quang Anh cũng tích lũy được vốn kỹ năng và kinh nghiệm công tác. Khi được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Lâm Thao, đồng chí đã phát huy tốt sở trường, tư duy, tầm nhìn của cán bộ cấp tỉnh vào điều kiện cụ thể của huyện. Đồng chí Nguyễn Quang Anh cho rằng, công tác luân chuyển cán bộ tạo ra môi trường để cán bộ rèn luyện thử thách, giúp cán bộ trưởng thành toàn diện, vững vàng hơn.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên về chủ trương luân chuyển cán bộ chưa đúng mực cho nên trong quá trình triển khai thực hiện có nơi còn băn khoăn, còn tư tưởng khép kín, chưa kiên quyết trong bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Việc rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ, nhất là xây dựng kế hoạch luân chuyển và tổ chức thực hiện kế hoạch còn chậm, chưa cụ thể dẫn đến tác dụng chuyển biến chưa mạnh…

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Đình Thi đúc kết: Từ thực tiễn triển khai luân chuyển cán bộ có thể khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ ở các cấp trong tỉnh đã cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Cán bộ được luân chuyển qua thực tiễn ngày càng khẳng định được năng lực, sở trường, giữ gìn được phẩm chất, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác luân chuyển đã tạo được động lực mới cho cán bộ phấn đấu, chống tư tưởng trì trệ, khép kín trong tổ chức thực hiện công việc.

Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh đã kết hợp có hiệu quả giữa luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với thay đổi môi trường công tác và thực hiện chính sách cán bộ. Những nơi có khó khăn lại chính là môi trường để thử thách, rèn luyện bản lĩnh, là điều kiện để cán bộ chứng tỏ năng lực thật sự của mình.