Phú Quốc: Thất thu hơn một tỷ đồng tiền phạt phá rừng

NDO - NDĐT- Từ năm 2010 đến nay, ngành lâm nghiệp của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã lập biên bản vi phạm hành chính 160 vụ xâm hại đến rừng. Trong đó xử phạt hành chính 149 vụ, khởi tố 11 vụ.

Ngoài ra các cơ quan chức năng đã hủy bỏ gần 230 nghìn cây trồng các loại trồng trái phép trong đất rừng; nhổ gần 500 cây trụ rào và tháo dỡ nhiều căn nhà tạm.

Tuy nhiên, việc xử lý bằng biện pháp hành chính không đủ sức răn đe đối với những đối tượng phá rừng nên những vụ xâm phạm rừng vẫn tiếp tục xảy ra, đáng chú ý là các đối tượng vi phạm không chấp hành các quyết định xử phạt hành chính.

Trong tổng số hơn 1,1 tỷ đồng mà các cơ quan chức năng ra quyết định phạt về các hành vi xâm hại rừng, các đối tượng chỉ nộp phạt hơn 82 triệu đồng, còn lại hơn một tỷ đồng không được nộp phạt.

Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Phạm Quang Bình cho biết: Công tác bảo vệ và phát triển rừng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ diện tích rừng đã được điều chỉnh, nhưng việc bàn giao thực địa một số nơi chưa được tiến hành.

Một số hộ lợi dụng việc mở đường quy hoạch dự án đã vào bao chiếm, lấn chiếm đất rừng trái phép. Mặt khác, dân cư sống đan xen trong vùng dự án, đất sản xuất liền ranh với đất rừng, nhiều nơi không xác định được ranh giới. Việc đo đạc địa chính phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nơi chồng lấn vào đất rừng.

Một số dự án quy hoạch phát triển du lịch chậm triển khai, không có người quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, chủ rừng chưa cụ thể khiến công tác quản lý lỏng lẻo. Trong vùng dự án nhiều đường giao thông xuyên qua rừng nên không kiểm soát được mọi hoạt động của người dân.

Đáng chú ý, các đối tượng phá rừng ngày một bất chấp luật pháp, nhiều vụ hành hung cả lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Theo quy hoạch, đảo Phú Quốc có 37 nghìn héc-ta rừng, trong đó Vườn quốc gia Phú Quốc có diện tích 29.569 ha, diện tích còn lại thuộc rừng phòng hộ.

Hiện, Phú Quốc có ba cơ quan quản lý rừng gồm: Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và Vườn quốc gia với 110 cán bộ, công viên chức, do đó việc quản lý và bảo vệ rừng đang trở nên quá tải.