Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường?

NDO - Khi đối mặt với bạo lực học đường, học sinh cần ngay lập tức thông báo với cha mẹ, giáo viên phụ trách; đồng thời, nhà trường và phụ huynh cần có những động thái quyết liệt để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa (Họa sĩ: Duy Liên)
Ảnh minh họa (Họa sĩ: Duy Liên)

Những vụ việc đau lòng

Giữa tháng 4/2023, dư luận cả nước bàng hoàng khi thông tin về việc nữ sinh N.T.Y.N hiện đang học lớp 10 tại trường Trung học phổ thông Chuyên-Trường Đại học Vinh (Nghệ An) treo cổ tự tử. Người nhà nạn nhân cho rằng, nguyên nhân của sự việc đau lòng trên là do Y.N đã bị bạn đánh, ngược đãi, áp đảo tâm lý. Gia đình đã xin chuyển lớp cho em nhưng chưa kịp thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Thực tế, bạo lực học đường từ lâu nay đã gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc. Cũng ngay trong ngày Y.N tự tử, tại trường Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý (Đồng Hới, Quảng Bình), tỉnh Quảng Bình đã phải tổ chức họp khẩn và đưa ra hình thức xử lý với nhóm học sinh bắt bạn quỳ gối và tát liên tục vào mặt.

Trước đó, 2 nữ sinh T.H.B.N (lớp 6D) và N.H.A.H (lớp 7A) đã có mâu thuẫn từ trước đó. Đến ngày 8/4, H. và N. đã đánh nhau tại phòng học ở trường. Một số học sinh đã dùng điện thoại quay lại rồi phát tán cho nhiều người.

Cả hai học sinh này sau đó đều bị xử lý theo hình thức khiển trách. Ngoài ra, những học sinh xem, chứng kiến mà không can ngăn, quay clip, phát tán clip cũng bị nhắc nhở trước sự chứng kiến của các thầy, cô giáo cùng phụ huynh.

Mới đây nhất, tại huyện Gio Linh (Quảng Trị), một nữ sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở thị trấn Gio Linh đã bị nhiều bạn học khác hành hung trong nhà vệ sinh. Đoạn video ghi lại cảnh này sau đó, như thông lệ, lại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 2

Đại diện Trường đại học Vinh trao đổi với các cơ quan báo chí về sự việc học sinh tự tử tại nhà.

Không chỉ cấp Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, ngay cả cấp tiểu học, tình trạng bạo lực học đường cũng không hề hiếm gặp. Mới đây, theo báo cáo của Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, vào ngày 5/4, tại trường tiểu học Kim Đồng đã xảy ra trường hợp 2 em học sinh đánh bạn. Một em khác tiếp tục dùng điện thoại quay lại cảnh bạo lực ngay trong lớp học.

Chưa dừng lại, nhiều vụ việc thậm chí đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Ngày 17/12/2022, một nữ sinh lớp 7 tại thị trấn Phước Dân, Ninh Thuận đã bị một thiếu nữ chặn đánh tại khu vực bờ tràn sông Lu trước sự chứng kiến của nhiều nữ sinh khác. Nạn nhân bị nắm tóc, đánh liên tiếp vào mặt bất chấp đã liên tục xin tha. Nạn nhân sau đó đã phải nhập viện cấp cứu.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 3

Một chương trình đào tạo kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường tại tỉnh Quảng Bình.

Trước đó 2 tháng, một đoạn clip khoảng 30 giây ghi lại cảnh một nữ sinh tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị một nhóm người dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tiếp và kéo lê trên đường. Theo clip, 3 nam, 5 nữ vây xung quanh nữ sinh này, sau đó 2 người nữ lao vào đánh. Trong đó, một người dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng đầu. Sau khi bị đánh, nữ sinh này đã rơi vào trạng thái trầm cảm, và phải nghỉ học nhiều ngày để ổn định.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố năm 2022, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.

Nghiêm trọng nhất phải kể đến các vụ việc mà nạn nhân thậm chí đã bị tử vong.

Chiều 17/10/2022, nam sinh N.B.K, lớp 11A1 trường Trung học cơ sở-Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Rành (Long An) đã bị một nhóm người bên ngoài đánh do mâu thuẫn với một học sinh học lớp 10 cùng trường. Sau khi bị bạn hành hung, em N.B.K. được đưa đi bệnh viện Long An cấp cứu sau đó chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi.

Cũng trong năm 2022, tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong quá trình màn đánh hội đồng của các anh lớp 12, nam sinh N.T.T (lớp 11) đã dùng dao đâm khiến một học sinh khác tử vong. Gây án xong, đối tượng đã đến cơ quan công an đầu thú.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 4

Nhóm sinh viên trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường đánh bạn vì chuyện tình cảm. (Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội)

Chưa hết, tới đầu năm học 2023, dư luận đã chứng kiến vụ bạo lực học đường như vụ đánh nhau kinh hoàng ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường do chuyện tình cảm. Những vụ bạo lực học đường này đã để lại những hậu quả khôn lường.

Học sinh cần phải làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường?

Thực tế, những vụ việc như đã nêu chỉ là phần nổi dễ nhận thấy của “tảng băng chìm” về tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Nhiều học sinh đã đối mặt với một dạng “bạo lực tinh thần” không kém phần nặng nề.

P.L, một học sinh cấp 3 tại Hà Nội, cho biết, em đã từng bị bắt nạt, cô lập do… thừa cân nặng. Nữ sinh này phải làm hộ bài cho bạn, thậm chí phải nộp tiền để được yên ổn. Tới năm lớp 11, do chịu đựng quá lâu, P.L. đã phải tự giải tỏa bằng cách… tự rạch nhiều vết chằng chịt lên cổ tay của mình.

Nam sinh X.B, hiện đang học lớp 11 tại một trường trung học phổ thông tại Hà Nội kể lại trải nghiệm “không dễ chịu” của mình: “Vừa vào năm học, em đã bị mấy anh lớp trên kiếm chuyện. Họ bắt em phải mua nước, mua đồ ăn cho thì mới để yên”.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 5

Bạo lực học đường còn xuất hiện dưới dạng những áp lực tâm lý học sinh gánh chịu qua mạng xã hội. (Ảnh: Tổng đài quốc gia 111)

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Viện Tâm lý Giáo dục Việt Nam), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, bạo hành về tinh thần học đường, trong đó trước hết phải kể đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Do chưa nhận thức đầy đủ về hành vi, thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động nên các em rất dễ bị lôi kéo, gây nên những hành vi nguy hiểm cho bạn học cũng như xã hội.

Bên cạnh đó, sự chưa sâu sát trong công tác quản lý của các nhà trường cũng khiến cho tình trạng bạo lực học đường càng trở nên nghiêm trọng hơn.

“Một lý do khác cần phải xem xét là trách nhiệm của cha, mẹ học sinh trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Cha mẹ các nạn nhân bị bạo hành thường không nhận được sự quan tâm thường xuyên tới tâm lý, tình cảm của con cái”, chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên, chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds cho rằng, hiện nay, còn phải kể tới nguyên nhân xuất phát từ tác động xấu của các mạng xã hội. Nhiều khúc mắc nảy sinh do chat, tám chuyện qua Facebook, Zalo. Ngoài ra, nhiều trào lưu có hại, phản giáo dục trên mạng xã hội: TikTok, YouTube…. ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Để tự bảo vệ mình, các chuyên gia cho rằng, khi đối mặt với bạo lực học đường, học sinh cần ngay lập tức thông báo với cha mẹ, giáo viên phụ trách; đồng thời, nhà trường và phụ huynh cần có những động thái quyết liệt để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 7

Ảnh minh họa. (Họa sĩ: V. Thọ)

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức khẳng định: Phụ huynh phải dạy cho con mình kỹ năng “kể lại” những chuyện các cháu gặp phải trên lớp; đồng thời thường xuyên tâm sự với con về tất cả các vấn đề khác trong cuộc sống.

“Tập cho trẻ thói quen kể chuyện không chỉ giúp gắn kết gia đình; quan trọng hơn, kỹ năng này luôn giúp cha mẹ nắm được tình hình phát triển của con, nắm chắc tâm lý, đồng thời có giải pháp kịp thời nếu bạo lực học đường xuất hiện”, ông Đức phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên bổ sung thêm, khi con chia sẻ về rắc rối đang gặp phải ở trường, sẽ không ít bố mẹ nói rằng "Chắc tại con như thế nào nên mới bị như thế". Cũng có rất nhiều bố mẹ phản ứng là kệ con và không can thiệp vào chuyện quan hệ với các bạn hoặc dạy con méo mó cấm không được chơi. Tuy nhiên, đó là sai lầm, là hành động “tự ngắt kết nối” cha mẹ với con và những câu chuyện tiếp theo.

Trong trường hợp trẻ đã bị bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi phát hiện trẻ bị bạo lực học đường, gia đình và nhà trường cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con, gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành. Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được con tiết lộ rồi thì cần hỏi con để biết tình hình con có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?... để có cách thức hỗ trợ con tiếp theo.

Phụ huynh và học sinh cần làm gì khi đối mặt với bạo lực học đường? ảnh 9

Cha mẹ cần gần gũi, tăng kết nối với con cái để phòng, chống bạo lực học đường.

Dưới góc độ phụ huynh từng có con bị bạo hành, chị Trần Thị Nhung (mẹ của nữ sinh P.L đã nhắc ở đầu phần 2-PV) chia sẻ kinh nghiệm: Khi nghe tin con gái bị bắt nạt ở trường, việc đầu tiên chị thực hiện là tâm sự, gần gũi con để tìm hiểu, giúp con an tâm, chia sẻ. Sau khi nắm được thông tin, chị Nhung đã thẳng thắn trao đổi với cô giáo chủ nhiệm và các bạn đang xúc phạm con gái mình.

“Trong trường hợp này, nếu ngại ngần hoặc làm to chuyện, nhóm học sinh bắt nạt lẫn con tôi sẽ đều bị ảnh hưởng tâm lý. Do đó, tôi chọn phương pháp mềm dẻo hơn. Sau lần đó, cháu P.L đã không còn bị các bạn học kỳ thị, bắt nạt nữa”, chị Nhung chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.