Ngăn chặn bạo lực học đường

Sau những sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến bạo lực học đường, nhiều phụ huynh, giáo viên đã gần gũi, sát sao hơn với con em, học sinh của mình, để lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ các em trước những biến cố tâm lý, kịp thời ngăn chặn vụ việc phát sinh.
0:00 / 0:00
0:00

"Sau khi xảy ra sự việc đau lòng của nữ sinh lớp 10 Trường trung học phổ thông chuyên thuộc Trường đại học Vinh, phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với giáo viên về những phản ánh của con trên lớp. Những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ cũng được bố mẹ các em phản ánh tức thì. Giáo viên dù đang rất bận chuẩn bị cho kỳ thi hết học kỳ II nhưng cũng không thể bỏ qua và đều xử lý dứt điểm những phản ánh này. Có thể thấy, ý thức của phụ huynh đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, phối hợp, trao đổi thường xuyên với nhà trường để bảo đảm con em mình không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường"-cô giáo Nguyễn Hà, Trường trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan (quận Ðống Ða, TP Hà Nội) chia sẻ.

Bạo lực học đường vẫn luôn đe dọa sức khỏe thể chất và tâm thần học sinh nếu nhà trường không sớm phát hiện, giải quyết mâu thuẫn. Mới đây, phụ huynh học sinh lớp 8A2 Trường trung học cơ sở Xuân Nộn (huyện Ðông Anh, Hà Nội) đã gửi đơn tố giác tới Công an xã Xuân Nộn, đồng thời gửi đơn kiến nghị tới Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðông Anh về việc con mình bị đánh hội đồng, dẫn tới phải nhập viện điều trị. Ngay khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Công an huyện, Ủy ban nhân dân xã Xuân Nộn làm việc với Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Xuân Nộn và một số cá nhân liên quan để xác minh làm rõ vụ việc. Theo đó, sự việc phát sinh từ ngày 2/4 giữa bảy học sinh, trong đó có bốn học sinh tham gia đánh hội đồng một nữ sinh, hai học sinh quay video vụ việc. Các em này là học sinh Trường trung học cơ sở Xuân Nộn và học sinh Trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc. Ðược biết, nguyên nhân mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, học tập. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðông Anh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Phòng đã triển khai họp quán triệt tới tất cả các trường trên địa bàn huyện về tình hình bạo lực học đường và chỉ đạo sâu sắc đến các lớp để nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời ngăn chặn các vụ việc phát sinh.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Trường trung học phổ thông Ðinh Tiên Hoàng (quận Ba Ðình, TP Hà Nội) có hơn 30 năm gắn bó trực tiếp với công tác quản lý cũng như trực tiếp tham gia giảng dạy học sinh phổ thông, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng của các nhà trường hiện nay phần lớn vẫn nặng tính phong trào, phổ biến kiến thức đến tất cả học sinh, chứ không hướng đến từng học sinh, vì vậy chưa mang lại hiệu quả thực chất. Giáo dục phải tạo ra học sinh có động lực sống, giá trị sống, sống có văn hóa, động viên học sinh giác ngộ, hướng tới chân-thiện-mỹ. Qua các hoạt động giáo dục, học sinh biết yêu thương, tôn trọng mọi người, tôn trọng bản thân, có lòng bao dung, vị tha, có kỹ năng sống tốt, biết hóa giải, đối đầu, thương lượng và giải quyết vấn đề... Ðể không xảy ra bạo lực học đường, các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch giáo dục học sinh đến nơi đến chốn.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy, cô giáo phải sát sao học sinh, biết nhận diện những khác thường của các em. Ðồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đoàn thể trong trường học và các học sinh trong lớp của mình để nắm bắt tâm lý, diễn biến bất thường của cá nhân hay nhóm học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Từ đó sớm có những can thiệp cần thiết, tránh xảy ra xô xát, mâu thuẫn đáng tiếc.

Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết, hiện thành phố rất quan tâm tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, trong đó, đặc biệt quan tâm tới sức khỏe tâm thần cho học sinh với mức đầu tư nhiều tỷ đồng. "Trước tình trạng bạo lực học đường đáng báo động, các trường cần đặc biệt quan tâm triển khai Phòng Tâm lý tham vấn học đường để góp phần phát hiện sớm, tư vấn cho học sinh tránh phát sinh mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn từ các hội, nhóm chat trên mạng xã hội"-ông Trung nhấn mạnh.