Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành bảy nghị quyết chuyên đề; trong đó, có Nghị quyết số 200-NQ/HU ngày 16/4/2021 về Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm phải có đặc trưng để tạo ra sự khác biệt, huyện Phù Cừ đã chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.
Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Phù Cừ là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh theo quy trình VietGAP, quy mô lớn gần 1.000ha như vùng sản xuất vải lai chín sớm tại các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến; vùng sản xuất vải trứng Hưng Yên tại xã Phan Sào Nam...
Bên cạnh đó, huyện phát triển chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học tại các xã Quang Hưng, Tống Phan, Tống Trân... Đến nay, giá trị thu trên một héc-ta đất canh tác của huyện đạt 211 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,21%, hộ cận nghèo 3,4%.
Với phương châm “Làm tới đâu chắc tới đó”, xã Phan Sào Nam một điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện, đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động của nhân dân tham gia với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống.
Từ năm 2011 đến nay, chính quyền và nhân dân trong xã đã đầu tư, đóng góp gần 226 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục công trình như xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông thôn, xóm, đường ra đồng... Xã cũng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất cấy lúa sang trồng các loại cây có thế mạnh ở địa phương như vải trứng Hưng Yên.
Các mô hình chuyển đổi này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ tám đến 10 lần so với cấy lúa. Đến nay, xã Phan Sào Nam đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.
Phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường, thời gian qua, huyện Phù Cừ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về công tác này. Qua đó, góp phần làm đổi thay diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 45 tổ thu gom rác thải, sáu hợp tác xã dịch vụ môi trường. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn đạt 82,4%. Các khu dân cư trong huyện ngày càng sạch đẹp, khang trang.
Đáng chú ý, Huyện ủy Phù Cừ đã chủ động thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác triển khai xây dựng nông thôn mới ở các cấp, ngành và địa phương. Từng cán bộ trong Ban Thường vụ Huyện ủy nỗ lực cùng cấp ủy địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...
Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Phù Cừ có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân ở thôn, xóm, khu dân cư tham gia. Năm 2022, huyện đã vận động nhân dân đóng góp gần bốn tỷ đồng và hơn 20.000m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp, tháo dỡ công trình tường bao...
Với nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với hệ thống hạ tầng khang trang, sạch đẹp; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Hiện toàn huyện Phù Cừ có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 11 trong số 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Huyện ủy Phù Cừ, Nguyễn Văn Đoàn cho biết:
Bài học lớn trong xây dựng nông thôn mới được huyện rút ra là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân là trung tâm và trực tiếp thụ hưởng, từ đó phát huy tính chủ động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai thực hiện giải pháp đồng bộ, lộ trình cụ thể sát với thực tế sẽ là “đòn bẩy” để huyện Phù Cừ đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.