Cùng suy ngẫm

Phòng tránh cháy, nổ từ xe điện

Nguyên nhân của vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vào đêm 12 rạng sáng 13/9/2023, đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Hiện trường sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng xác định ban đầu và theo lời kể của nhân chứng là bảo vệ tòa nhà thì nguyên nhân xảy ra cháy là do chập điện tại khu vực để xe, khi một chiếc xe điện đang trong quá trình sạc, sau đó cháy lan ra các xe máy.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200 nghìn xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô-tô điện đang hoạt động và xu hướng sử dụng phương tiện này đang gia tăng trong cộng đồng, nhưng hạ tầng cho xe điện thì chưa được đầu tư tương xứng sự gia tăng của loại hình phương tiện này.

Sau vụ cháy thảm khốc này, những ngày gần đây, nhiều khu chung cư ở Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng tránh cháy, nổ từ xe điện. Đơn cử như ở khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Ban quản lý đã quy hoạch hai khu vực để xe điện và xe xăng riêng biệt tại tầng hầm để xe, trong đó, khu để xe điện được bố trí gần nơi có nhân viên bảo vệ trực để dễ quan sát, xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ban quản lý tòa nhà yêu cầu cư dân không được sạc pin, ắc-quy cho xe đạp điện, xe máy điện qua đêm tại hầm gửi xe. Nhân viên bảo vệ sẽ kiểm tra và ngắt các thiết bị sạc ra khỏi nguồn điện tòa nhà từ 23 giờ hằng ngày.

Một số nơi thì có phản ứng gay gắt hơn. Chủ một số chung cư mini ở xã Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ chối trông giữ xe điện trong tòa nhà và yêu cầu người thuê từ sau ngày 30/9 chuyển sang sử dụng xe máy hoặc xe đạp. Điều này gây không ít khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống, công việc của một bộ phận người dân.

Các loại phương tiện giao thông chạy bằng điện đang được khuyến khích sử dụng để dần thay thế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200 nghìn xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô-tô điện đang hoạt động và xu hướng sử dụng phương tiện này đang gia tăng trong cộng đồng, nhưng hạ tầng cho xe điện thì chưa được đầu tư tương xứng sự gia tăng của loại hình phương tiện này.

Trên thực tế, người dân khi mua xe điện để đi lại vẫn phải sử dụng nguồn sạc tại nhà hoặc tại bãi đỗ xe chung. Nếu nhiều xe sạc điện vào cùng thời điểm, mà nguồn điện không ổn định dễ dẫn đến chập cháy. Theo các chuyên gia, pin xe điện không dễ cháy nổ, mà phần lớn sự cố đến từ dòng điện khi sạc xe bị quá tải, gây chập cháy.

Như vậy, để khuyến khích người dân sử dụng xe điện, hạn chế hiểm họa xảy ra trong quá trình sử dụng phương tiện này, thì cần phải có những giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Đó là cần phải chuẩn bị nguồn cung năng lượng ổn định, hạn chế tình trạng quá tải khi nhiều xe điện cùng sạc một lúc, gây quá tải hệ thống điện dẫn đến cháy nổ.

Thứ hai là các biện pháp an toàn phòng, chống cháy nổ. Đối với những nhà trọ cho thuê, chung cư, cần bố trí khu vực sạc điện riêng cho các loại xe điện. Vị trí này có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, khoảng cách giữa các phương tiện đủ rộng và luôn có người ứng trực.

Ngoài ra cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng kỹ thuật các xe điện. Cơ quan chức năng không cấp đăng ký, cho lưu thông những loại xe điện không rõ nguồn gốc, chưa được thẩm định an toàn kỹ thuật.

Mặt khác, cần phổ biến, tập huấn cho chủ phương tiện, nhân viên bảo vệ tòa nhà nắm vững thông tin cơ bản về nguyên tắc an toàn đối với xe điện và kỹ năng ứng phó khi xảy ra chập điện, cháy nổ.