Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng nghiên cứu và triển khai các hoạt động trong công tác giáo dục quốc phòng, an ninh những năm vừa qua, cập nhật và dự báo hướng nghiên cứu giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện; Thiếu tướng, TS Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS, TS Nguyễn Tiến Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục…
Tăng cường chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị nêu rõ, giáo dục quốc phòng, an ninh là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, nhất là thế hệ trẻ, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Đảng ta đã khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân”. Tư duy mới của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong giai đoạn hiện nay được thể hiện rõ ở việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
PGS,TS Nguyễn Văn Bạo cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cùng với việc tạo ra hàng loạt vũ khí, trang bị thế hệ mới với những tính năng vượt trội, có độ chính xác cao và sức hủy diệt lớn, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm xuất hiện các hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới, làm cho ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa bạo lực và phi bạo lực ngày càng trở nên phức tạp.
Mặt khác, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch còn cho rằng, hiện nay khi chiến tranh xảy ra, vũ khí công nghệ cao sẽ giữ vai trò quyết định; vì đối phương có thể tạo ra những robot chiến binh thông minh, hoạt động liên tục, có sức mạnh để thay thế người lính...
Thực tế trên đang đặt ra những thách thức cao hơn, toàn diện hơn cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, đòi hỏi công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nhất là cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên càng phải được quan tâm.
Đối với các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (trong đó có các nhà trường Quân đội), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện đến hoạt động giáo dục, đào tạo cả về mục tiêu, chương trình, nội dung và hình thức, phương pháp đào tạo; đến cả đội ngũ cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.
Để nâng cao năng lực tiếp cận thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đòi hỏi các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân phải nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; đồng thời, phải nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên.
Làm rõ tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến đổi mới công tác giáo dục quốc phòng, an ninh
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục, PGS,TS Nguyễn Tiến Trung cho biết, ngay từ khi mới thành lập cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định với đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân.
Để thực hiện đường lối đó, việc giáo dục quốc phòng, an ninh cho mọi người dân, mọi tầng lớp xã hội là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên được chăm lo, nhằm xây dựng đội quân dự bị có đủ năng lực sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi cần thiết.
Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục, PGS,TS Nguyễn Tiến Trung trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo. |
Mục tiêu cụ thể giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay là góp phần đào tạo con người mới phát triển toàn diện; có hiểu biết những nội dung cơ bản về quốc phòng, an ninh, về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc; nêu cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.
Đồng thời, có kiến thức cơ bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; có kỹ năng hoạt động quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS,TS Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động làm thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp, phương tiện và phương thức tổ chức huấn luyện môn giáo dục quốc phòng, an ninh, với sự xuất hiện của các thiết bị dạy học thông minh gắn với từng cá nhân người dạy và người học, như kính internet, tai nghe internet có thể giúp đọc dịch ngôn ngữ trực tiếp, hoặc giải những bài toán phức tạp, xử lý các tình huống trong dạy học.
Môn giáo dục quốc phòng, an ninh sẽ xuất hiện các nội dung mới cập nhật với thực tiễn phát triển của khoa học quân sự, với chính sách quốc phòng, an ninh mới. Đồng thời, sẽ xuất hiện các loại hình giáo dục, đào tạo mới, như đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, nhà trường ảo, lớp học ảo, nhóm bạn học ảo, phòng thí nghiệm ảo, thư viện số, thực hành trên mô hình mô phỏng.
Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến đổi mới công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; quan điểm của Đảng về công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy cho đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh ở nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; và đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…
Các đại biểu tham quan triển lãm sách bên lề Hội thảo. |
Đề xuất 7 nhóm giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh
Tại Hội thảo, các báo cáo khoa học tham luận đã cung cấp nhiều thông tin về lý luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh; cách nhìn nhận và đánh giá sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đến chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, các đại biểu, nhà khoa học cũng tập trung trao đổi, làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh; chính sách giáo dục quốc phòng, an ninh; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh; chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, trong dạy và học - nhu cầu, thực trạng, thách thức và những khuyến nghị; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được gần 70 bài tham luận của các nhà khoa học ở các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, nhà trường trong cả nước.
Các tham luận dù tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời khẳng định, bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động đến các yếu tố của giáo dục quốc phòng, an ninh là tất yếu khách quan.
Phần lớn các tham luận đã đề xuất các nhóm giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó, 7 nhóm giải pháp chủ yếu là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và các lực lượng tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; thường xuyên quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật, thiết bị dạy học cho giáo dục quốc phòng và an ninh.