Phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy

Sau thời gian dài “đóng băng” do dịch Covid-19, hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy bắt đầu sôi động trở lại. Song đáng lo là do nghỉ hoạt động dài ngày, nên nhiều phương tiện không được bảo dưỡng thường xuyên, quá hạn đăng kiểm… và trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, tính mạng của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
Công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra các phương tiện đường thủy tại bến phà Tân Nguyên Phú, huyện Tam Bình. (Ảnh MỘNG KHA)
Công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra các phương tiện đường thủy tại bến phà Tân Nguyên Phú, huyện Tam Bình. (Ảnh MỘNG KHA)

Vào hồi 9 giờ 15 phút, ngày 19/6/2022 trên tuyến tham quan các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, tàu Hồng Vân 89-HP4610 trọng tải đăng ký 48 khách của Công ty TNHH Giấc mơ Cát Bà, do ông Bùi Văn L làm thuyền trưởng điều khiển xảy ra va chạm với tàu Tender Mạnh Đạt 01 - HP4872, trọng tải đăng ký 12 khách, do ông Nguyễn Văn L trú tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải làm chủ phương tiện điều khiển.

Khu vực xảy ra tai nạn là lối vào Năm Cửa, vịnh Lan Hạ, thuộc địa giới hành chính xã Việt Hải. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, UBND huyện Cát Hải đã khẩn trương chỉ đạo Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và Đồn Biên phòng Cát Bà huy động lực lượng, phương tiện cứu được 11 người, trong đó có 1 phụ nữ và 2 trẻ em bị ngạt nước được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cát Hải cấp cứu kịp thời, bảo đảm tính mạng. Riêng bà Bùi Thị B, sinh năm 1966, trú tại phường Tân Thịnh, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị thiệt mạng.

Trước đó, sự việc chìm ca-nô trên biển Cửa Đại (Quảng Nam) khiến dư luận cả nước chưa hết bàng hoàng và đau xót. Chuyến tàu du lịch “định mệnh” ấy đã bất ngờ gặp nạn trên biển Cửa Đại, cướp đi sinh mạng của 17 hành khách. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ tính riêng năm 2021, toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 35 người và một người bị thương; tháng 1/2022 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết, tháng 2/2022 xảy ra 4 vụ 2 người chết…

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông đường thủy trong thời gian qua chủ yếu là do sự buông lỏng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thủy ở một số địa phương; đồng thời, quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy chưa đủ sức răn đe, nhất là hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thủy; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ; tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến; người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn.

Cùng với đó, công tác đầu tư hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hệ thống báo hiệu chưa lắp đặt đầy đủ, còn thiếu nhất là báo hiệu ban đêm. Hệ thống cầu đường bộ, đường sắt bắc qua các tuyến đường thủy nội địa không đủ tĩnh không hoặc thường tạo dòng xoáy cục bộ. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với việc thiếu trang thiết bị an toàn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Để kiềm chế sự gia tăng, chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; cần rà soát công tác cấp chứng chỉ lái phương tiện, nghiên cứu để tổ chức huấn luyện lý thuyết và thực hành ngay tại cơ sở nơi người dân sinh sống; làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa.

Đồng thời, các ngành chức năng cần tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện có hành vi chở quá số người được phép, không hướng dẫn, sắp xếp hành khách ngồi trên phương tiện và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi; trường hợp phát hiện vi phạm về cảng, bến, phương tiện hoạt động không phép, trái phép hoặc không đủ điều kiện kỹ thuật, tàu chở quá số người quy định, không bảo đảm các thiết bị an toàn thì phải kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử phạt thật nghiêm để ngăn chặn hậu họa ngay từ đầu.

Không đăng ký; không đăng kiểm; người lái không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn là thực trạng “3 không” diễn ra trên nhiều tuyến đường thủy nội địa của cả nước. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. 

Ông Trần Văn Thủy
Chuyên gia Bộ Giao thông vận tải