Phòng, chống nạn mua bán người và tảo hôn qua nền tảng trực tuyến "Em Vui"

NDO - Trong 3 năm triển khai, hơn 17.200 em thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án "Em Vui" và hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án được tiếp cận thông tin.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết dự án "Em Vui".
Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết dự án "Em Vui".

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án: Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - EMPoWR/ Em Vui”, nhằm chia sẻ những kết quả của dự án trong 3 năm triển khai và những bài học kinh nghiệm sử dụng nền tảng Em Vui của các đối tác khác nhau ở địa phương.

Theo đó, Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR/Em Vui) được triển khai từ tháng 6/2020 đến hết tháng 6/2023 tại 4 tỉnh gồm: 11 huyện với 52 xã của tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Với mục tiêu là để các trẻ em gái, em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách.

Tại buổi tổng kết, bà Carina Neset, Quản lý Gây quỹ và Các dự án viện trợ của Plan International Việt Nam nhấn mạnh: "Mục tiêu chương trình 5 năm, giai đoạn 2021-2026 của Plan tại Việt Nam là đồng hành cùng cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ, gia đình, cộng đồng để hỗ trợ 2 triệu em gái học tập, dẫn dắt, quyết định và tỏa sáng".

"Dự án Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số với sản phẩm chính là nền tảng trực tuyến "Em Vui" đã có những đóng góp nổi bật, giúp hiện thực hóa cam kết của tổ chức Plan trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa”, bà Carina Neset nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, các đối tác, đại diện các địa phương tham gia cũng đã thảo luận về tính bền vững của dự án "Em Vui" và nền tảng trực tuyến "Em Vui" sau khi dự án kết thúc.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết: Nhà trường đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động của dự án "Em Vui" tại trường học như tập huấn an toàn mạng và truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng "Em Vui" cũng như hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi, chương trình do dự án "Em Vui" tổ chức.

Các em học sinh đều hào hứng và thích thú với những sản phẩm của dự án "Em Vui" như phim hoạt hình, truyện tranh và các tài liệu học. "Em Vui" có nội dung rất phong phú và bổ ích.

"Chúng tôi đã sử dụng nhiều sản phẩm của "Em Vui" trong công tác giảng dạy và truyền thông tại địa phương và sẽ tiếp tục truyền thông lan tỏa "Em Vui" tới nhiều thế hệ học sinh để các em có kiến thức và kỹ năng phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người, lớn lên tự tin, an toàn và có tương lai tốt đẹp”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung khẳng định.

Phòng, chống nạn mua bán người và tảo hôn qua nền tảng trực tuyến "Em Vui" ảnh 1

Các em học sinh tại xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tiếp cận nền tảng "Em Vui".

Dự án "Em Vui" đã tập huấn trực tiếp cho 7.458 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về kiến thức internet và kỹ năng an toàn trên không gian mạng.

Sau đợt tập huấn, có 4.766 em có kiến thức cơ bản về các vấn đề an toàn mạng.

Năm 2022, dự án đã truyền thông trực tiếp cho 8.771 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về nền tảng "Em Vui".

Năm 2023, hoạt động truyền thông “Thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến "Em Vui” đã thu hút hơn 20 nghìn em thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số.

Nền tảng trực tuyến Em Vui bao gồm 1 website tại: https://emvui.vn, 1 ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store tên "Em Vui", 6 kênh mạng xã hội: Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter đều có tên là #DuAnEmVui.

Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 400 lượt truy cập, trong đó đa phần là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án là tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Có thể thấy, nền tảng trực tuyến "Em Vui" đã là một không gian mở thu hút sự tham gia và kết nối các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng chung tay truyền bá kiến thức, kỹ năng và lan tỏa các thông điệp, hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước.

Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan hữu quan các cấp.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án "Em Vui" chia sẻ: Dự án "Em Vui" là một dự án đặc biệt. Đây là một trong số rất ít dự án có sự tham gia của rất nhiều bên, bao gồm các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức đoàn thể và xã hội cùng với doanh nghiệp tư nhân.

Điều quan trọng nhất là Dự án đã được đón nhận rất nhiệt tình bởi các em thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh. Những sản phẩm của "Em Vui" được các em và các thầy cô giáo, các cơ quan và đoàn thể xã hội trên địa bàn.

Mặc dù Dự án khép lại, nhưng Nền tảng trực tuyến "Em Vui" vẫn còn đó, "Em Vui" vẫn là địa chỉ tin cậy và hữu ích cho các em thanh thiếu niên và các cán bộ, thầy cô giáo địa phương trong nỗ lực chung đẩy lùi tảo hôn và phòng chống mua bán người, giúp các em thanh thiếu niên lớn lên an toàn, khỏe mạnh và có cuộc sống hạnh phúc.