Phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Hà Giang

Hai tập thể và hai cá nhân thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Giang vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng bằng khen vì đã lập thành tích trong chuyên án 352T, triệt phá thành công đường dây mua bán người liên tỉnh. Đây là sự động viên kịp thời, khích lệ lực lượng chức năng tiếp tục lập thành tích trong cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người đang diễn biến phức tạp.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho nhân dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho nhân dân.

Những vấn đề rút ra từ chuyên án 352T

Qua mạng xã hội Facebook, Dương Thị L. người H’Mông, sinh năm 2000, trú tại thôn Mạy Rại, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) quen biết người đàn ông lạ tên Hồng, nhà ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Tối 15-7-2019, chỉ sau năm ngày gặp gỡ trên mạng xã hội, L. đã theo Hồng sang Hà Giang với lời hứa hẹn “đưa về Mèo Vạc ra mắt gia đình nhà trai để chuẩn bị đón L. về làm vợ”.

Cô gái trẻ chưa một lần xa nhà, nhẹ dạ, cả tin, phó mặc cho Hồng chở đi mà không biết mình là nạn nhân của bọn buôn người. Không như đã hứa, Hồng chở thẳng L. lên biên giới, khu vực ngã ba Khe Lía, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Tại đây, có thêm một vài người đàn ông lạ đứng đợi, sau đó đưa Hồng và L. vượt biên sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, L. không biết địa chỉ cụ thể, cũng không rõ người ta đem mình sang đây làm gì. Cho đến khi được một người tốt nhắn cho biết: “Chúng nó sắp bán mày rồi, tìm cách trốn đi”, L. mới tỉnh ngộ và tìm cách bỏ trốn. Ngày 24-7-2019, lợi dụng sơ hở, L. bỏ trốn, chạy về phía biên giới Việt Nam trong sự truy lùng gắt gao của bọn buôn người. May mắn, L. được giải thoát khi gặp các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Đồng Văn đang đi tuần tra biên giới.

Thiếu tá Phùng Ngọc Thuyết, Phó đội trưởng Đội đặc nhiệm, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: “Qua quá trình xác minh, nhận thấy có dấu hiệu của đường dây mua bán người liên tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang lập chuyên án 352T, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Giang”. Quá trình đánh án, Ban Chuyên án gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng đều giả danh tên tuổi, địa chỉ nên khó xác định. Cùng với đó, do nạn nhân bỏ trốn, bọn tội phạm có thời gian bàn cách đối phó, che giấu thân phận, trốn khỏi địa bàn cho nên việc xác minh, tìm chứng cứ mất nhiều thời gian, phải sử dụng nhiều biện pháp và lực lượng tham gia phá án.

Dù khó khăn, nhưng bằng sự cố gắng và các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả, từ những chứng cứ thu thập được, Ban Chuyên án xác định và bắt giữ các đối tượng liên quan. Khi đó, người đàn ông tên Hồng mới lộ diện với tên thật là Ly Mí Sính, sinh năm 1992, trú tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc. Sính khai nhận toàn bộ hành vi của mình và đồng bọn: “Khi đi làm thuê bên Trung Quốc, có gặp gỡ một số đối tượng và bàn chuyện về việc tìm con gái người H’Mông để đưa sang Trung Quốc bán. Cách tìm là không chọn người Hà Giang, thông qua mạng xã hội làm quen, dụ dỗ yêu đương rồi đưa qua biên giới. Khi bị phát hiện, nạn nhân cũng không biết mình bị đưa đi đâu, không tìm được đường về nhà, không biết ai”...

Chuyên án 352T kết thúc, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã bàn giao vụ án và các đối tượng liên quan cho công an để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ghi nhận những cố gắng của lực lượng biên phòng, ngày 27-3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định tặng bằng khen hai tập thể, hai cá nhân vì đã có thành tích triệt phá đường dây mua bán người trong chuyên án. Kết quả đấu tranh, triệt phá đường dây mua bán phụ nữ trong chuyên án 352T cho thấy, hiện nay, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: Những năm gần đây, nổi lên tình trạng mua bán người với thủ đoạn xảo quyệt. Tội phạm sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để làm quen các đối tượng, chủ yếu là phụ nữ, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, sau đó tán tỉnh, đặt vấn đề yêu đương rồi rủ đi chơi, đi du lịch. Khi “con mồi” mắc bẫy, các đối tượng lừa đưa qua bên kia biên giới, bán vào các nhà hàng làm gái mại dâm, hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp. “Một số đối tượng có mối quan hệ quen biết với người nước ngoài còn cấu kết, hình thành đường dây, ổ nhóm tội phạm hoạt động mua bán người khép kín, manh động, gây khó khăn cho công tác điều tra” - Đại tá Hoàng Anh Đức cho biết.

Trong những năm qua, Biên phòng Hà Giang chỉ đạo các đồn phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên giới. Cùng với đó, việc tăng cường các hoạt động trấn áp tội phạm khiến cho hoạt động của tội phạm khó khăn hơn. Do đó, địa bàn hoạt động của chúng có sự dịch chuyển từ khu vực biên giới vào nội địa, nơi mà nhận thức của người dân về mua bán người còn hạn chế.

Đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa

Hà Giang có hơn 277 km đường biên giới với Trung Quốc. Đây là địa bàn “nóng” về nạn mua bán phụ nữ, trẻ em.

Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Hà Giang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiến công, trấn áp nhằm giảm các vụ mua bán người. Cùng với đó, chỉ đạo các đồn phối hợp chính quyền các huyện biên giới tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác. Từ 2016 đến 2019, Bộ đội Biên phòng Hà Giang xây dựng hơn 50 kế hoạch nghiệp vụ điều tra, xác minh các thông tin liên quan tội phạm mua bán người, bắt cóc trẻ em và giải cứu nạn nhân. Qua đó xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án mua bán người, bắt giữ gần 20 đối tượng phạm tội, giải cứu nhiều phụ nữ.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán người trên tuyến biên giới ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2019, địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang xảy ra 16 vụ việc liên quan hoạt động mua bán người, tăng bảy vụ so với năm 2018. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ hoạt động này rất lớn. Những kẻ tham gia vào đường dây mua bán người đều là các đối tượng hư hỏng, ham chơi. Nhận thức của phụ nữ trẻ ở vùng cao còn hạn chế nên dễ bị dụ dỗ, lừa gạt. Tại các huyện vùng cao, người dân vẫn sang lao động tự do bên Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ nạn nhân trong các vụ án mua bán người rất cao.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm này, công tác đấu tranh, phòng, chống cần tiếp tục được đẩy mạnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đại tá Hoàng Anh Đức cho biết: “Qua thực tế về sự dịch chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực biên giới vào sâu nội địa của tội phạm mua bán người tại tỉnh Hà Giang cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân thì số vụ mua bán người ở nơi đó sẽ giảm. Do đó, giải pháp quan trọng nhất để giảm tình trạng mua bán người là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không chỉ ở khu vực biên giới mà cả trong nội địa, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa”.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tình trạng người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời, cần nhân rộng, phát huy các mô hình an ninh trật tự tại thôn, bản, tổ khu phố nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu phạm tội. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới. Làm tốt công tác phối hợp lực lượng chức năng của Trung Quốc, kịp thời sử dụng các phương thức phối hợp, trao đổi để điều tra, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân.