Phòng chống cháy rừng trong mùa khô

Phần lớn diện tích rừng của tỉnh Bình Thuận nằm trên địa hình đồi núi, riêng phần giáp ranh với tỉnh Lâm Ðồng khoảng 190 km, trải dài trên năm huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Ðức Linh. Ðể phòng chống cháy rừng, các lực lượng đã phải chuẩn bị đốt thảm bì trước vài tháng, chặt nhánh, cắt cành, cày chống cháy, đường băng xanh chắn lửa, đốt chần, chòi canh,…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng, chủ rừng đi tuần tra rừng thuộc khu vực xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam).
Lực lượng kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng, chủ rừng đi tuần tra rừng thuộc khu vực xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam).

Tại khu rừng trên địa bàn xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), chúng tôi ghi nhận có nhiều cây cối, lâm sản phụ như mây, tre… chết khô rất dễ cháy. Liên tục nhiều tháng qua, nhân viên bảo vệ của Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo chia thành từng nhóm tuần tra thường xuyên trong khu rừng. Bên trong khu rừng, lá khô được gom vào khu vực đã đốt có điều khiển từ cuối năm 2023 nhằm hạn chế nguy cơ cháy.

Các Trạm bảo vệ rừng giáp ranh thường xuyên tăng cường qua khu vực khác để kiểm tra phòng cháy, chữa cháy. Từ trạm khác qua tăng cường, anh Nguyễn Tiến Ðạt (nhân viên của Trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh) cho biết, với địa hình và đặc thù rất dễ cháy, rừng của trạm Cầu Treo thường xuyên được nhân viên trạm khác qua hỗ trợ. Các lực lượng chia nhau tuần tra, kiểm tra các công trình cày chống cháy, đường băng xanh chắn lửa, đốt chần, chòi canh,…

Ông Hồ Thanh Tuyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu cho biết, mỗi khi vào mùa khô, nhiều vườn thanh long không còn được người dân chăm sóc nên thường có cỏ dại chết khô, rất dễ cháy. Do đó, ngoài phòng chống cháy rừng, lực lượng Ban quản lý còn phải canh chừng, hỗ trợ dập tắt những đám cháy cỏ chung quanh.

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ cháy cỏ có nguy cơ cháy lan vào rừng. Trong những ngày giữa tháng 3, lực lượng của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đã dập tắt đám cháy tại một khu vườn thanh long chỉ cách rừng khoảng 500m.

Liên tục nhiều ngày qua, loa phát thanh của Ðài Truyền thanh huyện Hàm Thuận Bắc tuyên truyền phòng chống cháy rừng trong mùa khô nhằm nâng cao ý thức người dân tránh đốt cỏ gần rừng. Ông Nguyễn Văn Lập, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra hai vụ cháy rừng với diện tích 10.540m2. Mỗi năm bước vào mùa khô, hạt đã chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện phát hành tài liệu tuyên truyền về phòng chống cháy rừng.

Ngay đầu mùa khô, hạt đã kiểm tra các đơn vị chủ rừng đều bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ” theo phương án đã đề ra. Ðồng thời, các đơn vị có triển khai và thực hiện tốt các biện pháp đốt thảm thực bì làm giảm vật liệu cháy và tổ chức thực tập phương án phòng chống cháy rừng.

Theo ông Ðinh Văn Tư, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, rừng phần lớn nằm dọc theo khu dân cư hoặc tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp của dân. Vào mùa khô thường xảy ra tình trạng đốt dọn nương rẫy, người dân địa phương vào rừng lấy mật ong… nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Tuy nhiên, phương tiện, công cụ chữa cháy rừng còn thiếu không đáp ứng yêu cầu, cho nên Hạt hướng dẫn người dân dọn đốt nương rẫy, làm đường ranh, không để cháy lan vào rừng. Hạt tổ chức lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy theo phương châm bốn tại chỗ với lực lượng 37 người và huy động 211 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, chuẩn bị máy thổi gió, cuốc, xẻng, rựa, can đựng nước,…

Trong ba tháng đầu năm 2024, tỉnh đã phát hiện và xử lý kịp thời sáu vụ cháy lớp thực bì dưới tán rừng không gây thiệt hại tài nguyên rừng. Năm nay, tỉnh đã thành lập Ban phòng chống cháy rừng, chín ban chỉ huy cấp huyện, 50 ban chỉ huy cấp chủ rừng, 52 ban chỉ huy cấp xã; thành lập lực lượng ứng cứu cấp huyện 128 người, cấp chủ rừng 460 người, cấp xã 517 người; tổ đội cấp chủ rừng có 196 tổ/1.742 người, cấp xã 166 tổ/1.483 người và 2.085 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Về phương tiện phục vụ chữa cháy gồm: 71 ô-tô, 57 máy cày, 1.383 xe máy; 75 máy thổi gió; công cụ thủ công phục vụ chữa cháy rừng 1.766 cái và 890 công cụ thô sơ khác.

Ông Hồ Thiện Ðang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận)

Chi cục đầu tư công trình phòng chống cháy rừng cho 18 đơn vị chủ rừng trên diện tích tuyến phòng cháy, chữa cháy rừng hơn 1.800 ha, gồm các hạng mục: cày băng trắng rừng trồng 653 ha; đốt trước có quản lý 1.076 ha; phát, đốt vật liệu cháy rừng trồng 15 ha; băng trắng 57 ha; thu gom vật liệu cháy rừng trồng 5 ha.

Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên đa phần thuộc loại khộp thường rụng lá vào mùa khô, phần lớn phân bố địa hình rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy, tổ chức chữa cháy rừng. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hồ Thiện Ðang cho hay, diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng phân bố trên các khu vực trọng điểm cháy rừng, với loài cây trồng chủ yếu là các loài keo, phi lao, bạch đàn,… tiếp giáp với các khu vực dân cư, đất canh tác nông nghiệp của người dân nên có nguy cơ cao xảy ra cháy.

Vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao vào mùa khô là có 241.423 ha, chiếm 77% diện tích có rừng của tỉnh. Chi cục đã giao cho các chủ rừng quản lý, thuận lợi bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngành lâm nghiệp đã đưa ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng và theo dõi được cháy rừng trên toàn tỉnh. Hiện nay, biên chế của lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu; đội ngũ cán bộ nông, lâm nghiệp ở cấp xã không ổn định cho nên công tác phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Theo Thượng tá Trịnh Minh Hiển, Trưởng Phòng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bình Thuận), phòng đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng tại sáu huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh, với số lượng tham gia 176 người. Ðơn vị duy trì bảo đảm lực lượng thường trực, bảo đảm xử lý các sự cố cháy nổ xảy ra theo phương án bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh.

Trước tình trạng mùa khô kéo dài, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: Sở thường xuyên chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp và các tổ chức khác được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng tập trung, chủ động nắm chắc tình hình quản lý các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao trên lâm phận được giao quản lý.

Ðơn vị nào để xảy ra vi phạm phức tạp hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý, chậm phát hiện hoặc không kiên quyết trong xử lý vi phạm thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Giám đốc sở và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định pháp luật. Ban Chỉ huy thường xuyên theo dõi, nắm bắt các tình huống, phòng chống cháy rừng trên địa bàn để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, có hiệu quả.

Ðể chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết: Tỉnh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý theo dõi sát, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.