Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng

NDO - Bước vào mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết oi bức, kết hợp nền nhiệt cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng nhanh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao hơn so với bình thường.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ cháy tại dãy nhà ven kênh Tàu Hủ, phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/4 vừa qua.
Hiện trường vụ cháy tại dãy nhà ven kênh Tàu Hủ, phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/4 vừa qua.

Nguy cơ cháy nổ tăng cao mùa nắng nóng

Ngay từ đầu mùa nắng nóng, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây, vào khoảng 19 giờ 30 phút tối 1/4, một vụ hỏa hoạn lớn đã bất ngờ bùng phát tại xưởng gỗ rộng 320m2 nằm ven kênh Tàu Hủ, phường 2 (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh). Đám cháy nhanh chóng lan rộng, khiến nhiều ngôi nhà kế cận bị thiêu rụi và hư hỏng nghiêm trọng. Mặc dù không có trường hợp tử vong, nhưng 26 người đã bị ảnh hưởng bởi sự cố kể trên.

Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng ảnh 1

Hiện trường vụ cháy ven kênh Tàu Hủ.

Tại Hà Nội, ngày 12/3, một vụ cháy lớn cũng diễn ra tại Tổ hợp bar, karaoke, cà-phê ở tầng 9 tòa nhà 9 tầng trên phố Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, lửa xuất phát từ quán karaoke trên tầng 9 tòa trung tâm thương mại OCD Plaza, phường Ô Chợ Dừa, sau đó lan khắp tầng. Cột khói lửa bốc cao ngùn ngụt kèm theo tiếng nổ. Vài chục người ở phía trong tháo chạy ra ngoài.

Tòa nhà nằm ở góc phố Ô Chợ Dừa và đường Đê La Thành, rộng khoảng 500m2, cao 9 tầng, trong đó tầng 9 kinh doanh cà-phê, bar, nhà hàng, karaoke. Tầng dưới là ngân hàng, tiệm massage, cửa hàng thời trang...

Theo thống kê của Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào cùng kỳ năm 2023, khi bắt đầu bước vào mùa nắng nóng toàn quốc đã xảy ra 117 vụ cháy. Trong số này, số vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 32 vụ (chiếm 69,5 %); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 8 vụ (chiếm 17,39%).

Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng ảnh 2

Hiện trường vụ cháy tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội.

Đại diện Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, một trong những nguyên nhân chính khiến cho số vụ cháy tăng cao ngay khi bước vào mùa nắng nóng là do ý thức của người dân. Đặc biệt, vào thời điểm hiện tại, hệ thống điều hòa, máy lạnh tại nhiều gia đình, công sở, quán ăn bắt đầu phải hoạt động với công suất lớn ngay từ đầu giờ sáng mỗi ngày. So với mùa đông thì mùa hè việc tiêu thụ điện gia tăng có thể nhiều lần rất dễ tới tình trạng quá tải.

“Ngoài ra, sự bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương, thờ cúng) … cũng khiến nguy cơ càng trở nên nhãn tiền”, vị chuyên gia nhận định.

Vị đại diện Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết thêm một số thói quen trong cuộc sống thường nhật có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ. Đơn cử như việc dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện hay đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy.

Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng các vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp để ốp tường, trần, vách ngăn là nguy cơ rất lớn dẫn đến việc cháy lan nếu có hỏa hoạn xảy ra. Thậm chí, nhiều người vẫn có thói quen dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà nhưng không cẩn thận kiểm tra độ kín thường xuyên, dẫn đến hở hơi xăng, dầu và gặp tia lửa điện xảy cháy…

Người dân cần chủ động cảnh giác

Trước tình trạng nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tăng cao ngay đầu mùa nắng nóng, công an thành phố Hà Nội đã đưa ra 14 khuyến cáo cụ thể dành cho người dân để bảo đảm an toàn.

Theo đó, để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn (dùng attomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa…). Kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động khi bước vào mùa nắng nóng.

Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng ảnh 3

Cảnh sát giải cứu người dân ra khỏi một vụ cháy tại Hà Nội.

Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm, khi không có người ở nhà (đặc biệt trong những ngày đi du lịch, nghỉ mát...).

Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.

Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

Ô-tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô-tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu, nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, đặc biệt trước thời điểm đi du lịch, đi nghỉ... phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ khi bước vào mùa nắng nóng ảnh 4

Việc lắp chuồng cọp sẽ khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Trường hợp cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.

Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Bên cạnh đó, người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất nên cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng trên điện thoại di động để có thể theo dõi lượng điện sử dụng của gia đình, chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng điện để tiết kiệm điện.

Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận hoặc Công an phường gần khu nhất. Thực hiện quy trình các bước xử lý:

Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.