Bài 1: Nguy cơ cháy nổ tàu, thuyền
Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, tình trạng cháy tàu cá liên tiếp diễn ra và nguy cơ cháy nổ vùng ven biển luôn thường trực. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các cảng cá chưa được đầu tư, hoặc có nơi đã đầu tư nhưng chưa hiệu quả khiến công tác PCCC tàu, thuyền của ngư dân gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy cần có những giải pháp, hiệu quả PCCC tại vùng cảng biển ngày càng tốt hơn.
Nợ nần, mất trắng vì cháy tàu
Những ngày đầu tháng 3/2024, tai họa cháy tàu đột ngột đến với gia đình ngư dân Nguyễn Thanh ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Sau một đêm hành nghề lưới rê ở vùng biển gần bờ, tàu cá QNg 90407 TS của anh Thanh cùng 9 lao động cập bờ biển của làng chài để bán hải sản. Vài giờ sau, chiếc tàu công suất 700 CV của anh bốc cháy dữ dội. Lực lượng PCCC Đồn Biên phòng Bình Hải cùng các ngành chức năng địa phương điều động phương tiện chữa cháy ứng cứu tàu bị nạn.
Tuy nhiên do lửa bùng phát bất ngờ và cháy lớn nên tàu bị thiêu rụi hoàn toàn. Tàu cá đánh bắt hải sản trị giá hơn 2 tỷ đồng, làm phương tiện hành nghề gắn với cuộc sống của 9 ngư dân mất trắng sau vụ hỏa hoạn. Ngư dân Nguyễn Thanh chua xót: “Đầu năm bảo dưỡng, vay mượn lo tốn phí tàu hàng trăm triệu đồng để đi biển, giờ tàu cháy rụi mất hết còn nợ nần bà con, anh em. Làm sao có tàu nữa mà hành nghề”.
Ở những vùng biển, cảng cá nơi có tàu thuyền ngư dân ra vào cập cảng, nguy cơ cháy tàu luôn thường trực, xảy ra đột ngột khiến nhiều ngư dân không kịp trở tay. Cụ thể, sáng 21/3, Trạm Kiểm soát biên phòng Tam Quan, thuộc Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định) phát hiện ngọn lửa bốc lên từ tàu cá QNg-98047-TS của ông Hồ Quang Sơn khi đang neo đậu tại khu vực cảng phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn.
Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã điều động ca-nô cùng các cán bộ, chiến sĩ với người dân tiếp cận vị trí tàu cá tiến hành khống chế ngọn lửa, bóc tách tàu cá ra khỏi khu vực neo đậu tránh cháy lan sang các tàu cá chung quanh. Sau vụ hỏa hoạn, tàu bị cháy phần ca-bin và không gây thiệt hại về người. Quê ở xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), ngư dân Hồ Quang Sơn cùng anh em thuyền viên đánh bắt khơi xa và neo trú ở vùng biển thị xã Hoài Nhơn. Cháy tàu, cần tiền sửa chữa nhưng ông Sơn chưa biết khi nào tàu có thể tiếp tục ra khơi. Vay mượn lại thêm nợ nần vì hỏa hoạn, gánh nặng đè lên vai những ngư dân vùng biển khơi xa xôi.
Hơn ba năm qua, ở tỉnh Quảng Ngãi xảy ra khoảng 15 vụ cháy tàu, thuyền làm gần 20 tàu bị thiêu rụi, hư hỏng. Trung bình mỗi năm có khoảng 3-4 vụ cháy tàu, nhiều nhất là các vùng biển huyện Bình Sơn, thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi… Cháy tàu mất tài sản và phương tiện hành nghề, chủ tàu, thuyền lâm vào cảnh nợ nần, còn anh em thuyền viên, ngư dân mất việc làm, khó khăn thêm chồng chất.
Lo ngại cháy nổ tại các cảng cá
Phát triển mạnh ngành khai thác, chế biến hải sản khu vực miền trung, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi đã đầu tư 12 cảng cá chính và nhiều bến cá, vũng neo đậu tàu, thuyền vùng ven biển. Trung bình mỗi năm, các cảng cá, bến cá và vũng neo đậu tàu, thuyền các địa phương này đón khoảng 49.000 lượt tàu, thuyền ra vào, neo trú.
Tỉnh Bình Định hiện có ba cảng cá chính là Quy Nhơn, Tam Quan và Đề Gi; hai bến cá là Tân Phụng, Nhơn Lý và cảng cá Nhơn Châu đưa vào sử dụng từ năm 2000 phục vụ tàu cá ở địa phương. Trong số này, cảng cá Tam Quan là cảng cá lớn nhất tại Bình Định và thường xuyên phải đối mặt với những thách thức trong công tác PCCC. Nằm trên năm nhánh sông thường xuyên bị bồi lắng, thế nên dù được quy hoạch rộng khoảng 110 ha mặt nước, nhưng khu neo đậu tàu, thuyền cảng cá Tam Quan chỉ sử dụng được khoảng 60 ha, với khả năng chứa được từ 1.000-1.200 tàu cá.
Trong khi đó, tổng số tàu cá của huyện Hoài Nhơn khoảng 2.500 tàu; mùa mưa bão, khu neo đậu này tiếp nhận thêm 300 tàu cá từ nhiều vùng đến neo trú. Số tàu cá neo trú hơn 1.700 chiếc trên phạm vi hẹp, không bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền của ngư dân. Nếu xảy ra cháy nổ, việc di chuyển những tàu cá lân cận đến nơi an toàn rất khó khăn. Điều này đã tạo ra nhiều rủi ro và cản trở cơ quan chức năng thực hiện công tác cứu hộ và chữa cháy.
Cảng cá Quy Nhơn là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng, có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế thủy sản tỉnh Bình Định. Cảng được đầu tư xây dựng mở rộng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012, với tổng diện tích vùng nước cảng 20,6 ha. Được đầu tư trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa cơ giới hóa hơn 70%, mỗi năm, 10.000 lượt tàu, thuyền cập cảng. Do tàu, thuyền khai thác, đánh bắt thủy hải sản không neo đậu ở một cảng cố định mà thường xuyên di chuyển giữa các địa phương lân cận, cho nên đơn vị quản lý cảng cá phối hợp với lực lượng kiểm ngư và cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, hướng dẫn sắp xếp tàu cá neo đậu, bảo đảm an toàn nhằm hạn chế sự cố cháy nổ xảy ra.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định cho biết, khu neo đậu tàu, thuyền cảng cá Quy Nhơn có diện tích mặt nước hơn 20 ha, với 200 tàu, thuyền neo đậu, cao điểm mùa tránh trú bão có khoảng 600 tàu. Các tàu cá khi đăng ký thủ tục hoạt động đều phải bảo đảm phương tiện PCCC trên tàu, bố trí người túc trực để kịp thời xử lý khi có cháy nổ xảy ra. “Quy định là vậy nhưng nhiều phương tiện không bố trí người túc trực trên tàu. Do vậy, khi có sự cố cháy nổ xảy ra, việc chữa cháy tại chỗ hay tách tàu bị cháy ra xa các tàu khác không thực hiện được, dẫn đến cháy lan nên việc xử lý rất khó khăn”, ông Thiện cho biết.
Diện tích cảng cá và mặt biển neo trú hẹp trong khi tàu, thuyền nhiều khiến nguy cơ cháy nổ cao thì ý thức, chủ quan của ngư dân và thiếu sự đầu tư hệ thống PCCC cũng là nguyên nhân chính gây nguy cơ cháy tàu tại các cảng biển.
Tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá chính cùng nhiều bến cá, vùng neo trú tàu, thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, cảng cá, vũng neo đậu đón 15.000 lượt tàu, thuyền ra, vào sau những ngày đánh bắt khơi xa. Nhiều tàu cá khi neo đậu tại cảng đã phát sinh cháy, nổ, gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân. Nguyên nhân chính xảy ra hỏa hoạn là do chập điện, đốt nhang, vật dụng dễ gây cháy nổ trên tàu cá lưới, xốp, gỗ gây cháy lớn và lan rộng. Ngư dân Võ Văn Đồng ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, chủ tàu QNg 98073 TS chia sẻ: Cháy tàu thường xảy ra ban đêm, tàu cháy rụi và mất hết tài sản mưu sinh. Năm nào cũng xảy ra cháy tàu nên chủ tàu, ngư dân lo sợ và mong muốn nhất là có hệ thống PCCC khu vực cảng cá để cứu chữa tàu, thuyền kịp thời.
Điều đáng lo là ý thức của ngư dân trong công tác phòng chống cháy nổ đối với tàu cá còn nhiều hạn chế, trong đó có không ít lao động làm việc trên tàu nhưng chưa được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC. Một số chủ tàu cá của các địa phương khác khi neo đậu tại cảng, bến chưa đáp ứng được việc trang bị bình chữa cháy xách tay tiêu chuẩn và thuyền viên cũng không được tập huấn nghiệp vụ chữa cháy. Do một số chủ tàu còn ít quan tâm trang bị các phương tiện PCCC nên công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ tàu cá cũng lỏng lẻo, dẫn đến hệ thống điện bị rò rỉ, phát sinh nguồn nhiệt gây cháy nổ.
(Còn nữa)