Phòng bệnh về da sau mưa lũ

NDO - Hỏi: Mưa, lụt kéo dài, nhiều nơi vẫn ngập sâu, người dân phải sinh hoạt trong tình trạng vẫn còn nước ngập. Xin bác sĩ cảnh báo những bệnh lý về da dễ mắc phải để người dân có cách phòng và điều trị kịp thời?
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân sống chung với bùn, đất thời gian dài sau đợt ảnh hưởng bởi mưa, lụt do cơn bão số 3 gây ra.
Nhiều người dân sống chung với bùn, đất thời gian dài sau đợt ảnh hưởng bởi mưa, lụt do cơn bão số 3 gây ra.

Trả lời:

Trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là bệnh da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân...

Với điều kiện rác thải nhiều, độ ẩm tăng, người dân dễ gặp tình trạng nấm da, nấm bàn chân, có tổn thương bong vẩy ở kẽ chân đầu tiên. Những tổn thương trên thân mình, ở những nếp kẽ có triệu chứng đỏ.

Với triệu chứng ghẻ, người bệnh dễ gặp tổn thương ở vùng bàn tay, lòng bàn tay, vùng da mỏng; có tổn thương nước; da sẩn. Bệnh này ngứa nhiều về đêm, gây ra tình trạng khó chịu cho người bệnh và bệnh cũng lây lan mạnh cho người thân.

Bệnh lý viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

Khi người dân tiếp xúc hóa chất, kim loại nặng khi ngâm chân nhiều trong nước sẽ có tình trạng đỏ, ngứa, bong vẩy ở vùng tiếp xúc. Ở vùng da mỏng như mặt, cổ nếu tiếp xúc chất khí, chất hơi cũng gặp tình trạng đỏ da, bong vẩy.

Hiện có nhiều cách tự điều trị sai lầm của người bệnh dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn như tự đắp lá, ngâm lá, chà sát nhiều hoặc dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc mượn đơn thuốc của người khác.

Khi đó, tình trạng về da không thuyên giảm mà còn nặng lên. Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.

Khi gặp sự bất thường của làn da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương