Sáng 23/8, tại Paris, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có buổi tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác của Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị tới Đại sứ quán Việt tại Pháp, với mong muốn được giới thiệu và hỗ trợ liên lạc với một số nhà sưu tập tư nhân và chuyên gia bảo tồn châu Âu và Pháp để tìm kiếm nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến triều đình nhà Nguyễn đang được sưu tầm, lưu giữ ở Pháp và đưa về Việt Nam.
Các cổ vật của Việt Nam đang được lưu trữ tại nhiều nơi trên thế giới nên được hồi hương, bổ sung cho sưu tập hiện vật tại nước nhà, trong các bảo tàng công lập cũng như tư nhân. Tuy nhiên, thực tế quá trình đưa tư liệu, cổ vật về Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi một quá trình dài trao đổi và làm việc với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần phải có thời gian để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tìm hiểu và xem xét tình hình cổ vật Việt Nam ở ngoài nước.
Hơn thế nữa, các tư liệu, hiện vật cần được nghiên cứu, xác định, bổ sung thông tin để bảo đảm truyền tải câu chuyện, thông tin, thông điệp có ý nghĩa tới công chúng.
Thời gian qua, Pháp có chủ trương trả lại nhiều cổ vật, hiện vật cho các quốc gia khác. Dù vậy, phần lớn các nguồn tư liệu được lưu trữ tại các bảo tàng đều được chuyển giao theo hình thức mua đấu giá hoặc hiến tặng. Quá trình hồi hương cổ vật tương đối phức tạp, đòi hỏi có thỏa thuận cũng như đền bù tài chính.
Trong thời gian qua, hầu hết hiện vật, cổ vật, tư liệu của Việt Nam được đưa trở về nước nhờ nỗ lực từ các cá nhân những nhà sưu tập, người yêu văn hóa-lịch sử và thương gia buôn bán cổ vật.
Về phần mình, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ nỗ lực hỗ trợ các cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam, trong đó có Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thúc đẩy quá trình trao đổi cùng các đối tác Pháp với mong muốn sớm đưa cổ vật về quê hương.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã gửi lời chúc mừng Festival Huế đã trở thành một thương hiệu nổi bật của địa phương cũng như của đất nước, được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của không ít các đoàn nghệ thuật quốc tế. Sự kiện giao lưu văn hóa quy mô này đã thu hút sự quan tâm của nhiều thành phố, tỉnh, vùng kết nghĩa với Thừa Thiên Huế, trong đó đối tác quen thuộc của chương trình là Đoàn nghệ thuật của vùng Poitou Charents (Pháp).
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp vào năm 2023, các địa phương Việt Nam cùng các đối tác Pháp sẽ xem xét triển khai một chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, triển lãm, trưng bày bảo tàng, chương trình quảng bá văn hóa-du lịch Việt Nam tại thủ đô Paris và một số thành phố khác của Pháp.
* Trong khuôn khổ chương trình hoạt động tại Pháp, Đoàn công tác của Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ có buổi làm việc tại Bảo tàng Cernuschi - bảo tàng nghệ thuật châu Á của thành phố Paris, Trường Viễn Đông Bác cổ, Bảo tàng Guimet - bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á, cũng như gặp gỡ và trao đổi với bà Amandine Dabat - nhà nghiên cứu lịch sử, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.
Đoàn công tác sẽ tìm hiểu, trao đổi định hướng hợp tác về tìm kiếm nguồn tư liệu liên quan đến triều đình nhà Nguyễn, công trình kiến trúc Thái Miếu, Điện Cần Chánh, Điện Kiến Trung, Văn Miếu, cũng như thỏa thuận hợp tác văn hóa trong lĩnh vực xuất bản và tư liệu số.