Hơn 5.000 hiện vật
Đặt trong không gian của ngôi nhà vườn cổ kính, nhìn ra sông Hương (số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế), Bảo tàng gốm cổ sông Hương của GS, TS Thái Kim Lan như đưa người xem bước lạc vào một thế giới khác, nơi dòng sông thơ mộng ấy có thể phản chiếu những câu chuyện vô cùng thú vị.
Sau gần một năm chuẩn bị, việc sắp xếp những hiện vật gốm được GS, TS Thái Kim Lan cùng nhiều cộng sự tiến hành đến thời điểm này cơ bản hoàn tất. Trước khoảnh sân rộng là từng dãy lu gốm được xếp dọc theo lối dẫn vào nhà khiến ai vừa bước chân qua khỏi cánh cổng cổ kính nhìn thấy cũng ấn tượng.
Càng đi sâu vào bên trong, những tinh hoa của gốm sông Hương từ từ lộ diện. Nổi bật nhất là không gian phía sau ngôi từ đường, với hàng nghìn hiện vật từ nồi, hũ, chén, cho đến các kiểu bình, đĩa, vò, chum… Tùy kiểu hiện vật, hình tượng hoa văn được khắc lên đó cũng khác nhau. Tất cả được phân xếp theo giai đoạn kỹ lưỡng, trước khi sắp xếp ngăn nắp theo hàng lối khiến ai thấy cũng choáng ngợp.
Để có được một “gia tài lớn” như thế, bà Lan kể, tất cả khởi đầu từ một sự tình cờ. Hơn 30 năm về trước, trong lúc cùng người anh trai là họa sĩ Thái Bá Nguyên đi dạo dọc theo sông Hương, đoạn chảy qua trung tâm TP Huế, thấy nhiều người bày bán các loại hũ, bình, sành sứ… Hỏi ra, hai anh em mới biết tất cả đều được vớt lên từ lòng sông mà tuổi thơ họ hay thường ra dạo chơi. “Tôi vừa bất ngờ, vừa xúc động và quyết định sưu tập từ đó. Hễ cứ nghe thông tin nơi nào có gốm sông Hương tôi liền tìm đến xem, nhiều món đồ hữu duyên từ đó mà tìm về đây”, GS, TS Thái Kim Lan kể lại. Và đến thời điểm này bà đã có hơn 5.000 hiện vật đủ chủng loại để tạo dựng nên bảo tàng.
Bị cuốn vào việc sưu tập gốm, bà Lan thấy chưa có con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như sông Hương. Tất cả được chứng minh khi những hiện vật có từ thời tiền, sơ sử cho đến giai đoạn Chăm Pa và văn hóa Đại Việt trở về sau này đều được tìm thấy ở đáy sông trước sự bất ngờ của giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật trong và ngoài nước. Mỗi món đồ, gắn liền với một giai đoạn và số phận sở hữu như phản ánh dòng chảy của một dòng sông lịch sử.
Hiểu lịch sử thông qua cổ vật
Bảo tàng gốm cổ được GS, TS Thái Kim Lan cùng những cộng sự là các chuyên gia văn hóa, khảo cổ tiến hành hệ thống hóa theo bốn nhóm hiện vật gồm Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, gốm nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc). Với cách trưng bày đó, cơ bản phán ánh khớp với dòng chảy của dòng sông lịch sử trải qua nhiều biến cố, thăng trầm và tồn tại cho đến hôm nay.
Hỏi về lý do lập bảo tàng ngay tại chính ngôi nhà vườn của gia tiên, bà Lan cho biết, vì muốn lan tỏa hành trình kết nối văn hóa, lịch sử của vùng đất này đến với mọi người thông qua câu chuyện gốm được trục vớt. Ngôi nhà vườn ấy có vị trí rất đẹp, cách chùa Thiên Mụ vài chục bước chân, hướng mắt nhìn thẳng ra sông Hương, qua những hàng cây lộng gió, thơ mộng.
“Mọi người sẽ ngắm sông Hương trước khi di chuyển vào bên trong để ngắm những hiện vật, như một cách để họ hiểu hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử nghìn xưa để lại. Tôi mong mọi người hiểu được tâm sự của người xưa, bởi mỗi hiện vật tự thân nó là một câu chuyện, như một lời dặn người nay phải biết lưu giữ lại những giá trị cũ”, GS, TS Thái Kim Lan hy vọng.
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nhận xét, Bảo tàng gốm cổ sông Hương từ lúc hình thành ý tưởng cho đến khi thành hiện thực là một câu chuyện dài, hay và thú vị. Theo ông Dũng, bảo tàng không chỉ được đặt trong không gian đẹp với một ngôi nhà rường điển hình nằm ngay cạnh sông Hương mà ở đó còn có đầy đủ các yếu tố đặc thù, lưu giữ được từ hiện vật, vật dụng cũng như các nghi lễ, nghi thức biểu trưng cho đời sống văn hóa truyền thống của một gia tộc lâu đời của xứ Huế.