Chợt nhớ những hình ảnh của thành Nam tấp nập, đông vui thuở nào được ghi lại trong bài ca dao “Thành Nam cảnh trí” và rồi khi nhìn trực tiếp các tác phẩm của Dũng, tôi ước gì anh có thể dựng lại một phần những phố xá nơi đây trên sa bàn.
Đâu đây nét xưa cổ kính
Chầm chậm trên chiếc Dream nguyên bản của những năm 1990, Dũng chở tôi qua phố Hàng Tiện ngắm nhìn một số ngôi nhà cổ, đặc biệt là số nhà 140, trước khi hai anh em rẽ vào phố Hai Bà Trưng. Sở dĩ chàng trai sinh năm 1984 đưa tôi đến phố Hai Bà Trưng vì anh muốn tôi ngắm nhìn kỹ số nhà 90. So với số nhà 140 Hàng Tiện, ngôi biệt thự có phong cách kiến trúc Pháp này bề thế hơn. Có điều, nhìn bề ngoài, ngôi biệt thự xuống cấp nhiều và đã được người chủ cho Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà thuê lại để làm hiệu thuốc. Phía trên tầng 2 của ngôi nhà, dây điện, dây cáp viễn thông chạy ngang chằng chịt, che hết phần lan can sắt kéo dài có thể được xem là điểm nhấn nổi bật của công trình.
Vào thời điểm chúng tôi đến, một vài khách du lịch đã xuất hiện trước đó. Họ chụp ảnh, tranh thủ trò chuyện với một người dân sống gần đấy. Như Dũng cho biết, phố Hai Bà Trưng trước đây là 5 con phố bắt đầu bằng chữ Hàng, chạy theo hướng bắc nam từ chợ Rồng xuống sông Đào (sông Nam Định) là: Hàng Màn (Vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thêu, Hàng Thiếc và Hàng Đàn, được người Pháp đặt là Rue France.
Cũng giống như Hà Nội 36 phố phường, ở Nam Định, người dân buôn bán, sản xuất mặt hàng gì phố mang tên mặt hàng đó. Thế nên, trong “Thành Nam cảnh trí” mới có những câu thơ như: Ngọt ngào lên đến Hàng Đường/Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm/Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông/Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng/Thơm ngon Hàng Lạc, Hàng Vừng/Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen/Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền/Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quỳ…
Theo thời gian, hiện chỉ còn vài con phố mang tên cũ như Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng… bởi phần lớn đã được đổi tên, trong đó có phố Minh Khai mà vợ chồng Dũng đang có một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Giống như phố Hai Bà Trưng mà chúng tôi vừa đi qua, phố Minh Khai trước đây là các phố cũ Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song... Thú vị là cách nhà Dũng hơn 150 số nhà là 280 Hàng Nâu trước đây, nay là 280 Minh Khai, từng là nơi ở của nhà thơ Tú Xương (1870-1907).
Sống trong một không gian như thế nên Dũng yêu những ngôi nhà cũ, phố cổ của quê hương. Chẳng đâu xa, ngay phía đối diện với cái cửa hàng chỉ rộng chưa đầy 10 m2 trên phố Minh Khai của vợ chồng anh là một ngôi nhà cũ mang phong cách Việt. Vì thế, tôi đã hình dung thế này, những lúc không phải phụ giúp vợ bán đồ uống giải khát hay mấy thứ văn phòng phẩm, Dũng sẽ ngồi bên cửa nhà, thưởng thức chén trà xanh và vài chiếc kẹo lạc Sìu Châu, ngắm dòng người qua lại trước ngôi nhà cũ và lên ý tưởng cho những mô hình anh sẽ thực hiện.
Thực ra, mô hình số nhà 90 Hai Bà Trưng mà Dũng đã hoàn thành và cho tôi xem sau khi chúng tôi ghé qua số nhà 90 Hai Bà Trưng chỉ là một phần trong dãy nhà cổ mà anh đang thực hiện cho khách hàng. Khách hàng này là người Nam Định và hiện sống ở Hà Nội nhưng chắc chắn, anh ta có nhiều hoài cổ về những con phố xưa của thành Nam. Nếu không, anh ta đã không yêu cầu Dũng thực hiện mô hình dài tới 1,6 m với tám ngôi nhà cùng các kiểu kiến trúc khác nhau mà chỉ cần nhìn thôi, một người ở thành phố khác như tôi cũng thấy mọi ký ức, kỷ niệm xưa như ùa về.
Thế mới nói, tôi ước gì Dũng có thể làm một sa bàn về những phố Hàng, phố Bến ven bờ sông Đào, phố từ các cửa thành Nam đi ra (phố Cửa), bởi những Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Cau… rồi sẽ chỉ còn là quá khứ và mất hẳn cái tên đã gắn bó với biết bao thế hệ người thành Nam.
Mô hình số nhà 140 Hàng Tiện, Nam Định của Nguyễn Văn Dũng. |
Không chỉ là một thú chơi
Đồ chơi mô hình là một loại đồ chơi mô phỏng theo các vật dụng, thiết bị thật, được thu nhỏ theo tỷ lệ. Dù phần lớn đồ chơi mô hình chỉ mô phỏng theo hình dáng chi tiết mà không mô phỏng hoạt động (gọi là mô hình tĩnh) hoặc chỉ hoạt động một phần, vẫn có một bộ phận đồ chơi mô hình không chỉ mô phỏng hình dáng mà còn có thể mô phỏng hoạt động của vật mà nó mô phỏng (gọi là mô hình động). Ở đây tôi chỉ nói đến thú chơi mô hình tĩnh đã xuất hiện rất sớm vào đầu thế kỷ 20 ở Anh và Mỹ, trước khi phát triển mạnh vào những năm 1950 với các mẫu ô-tô, xe tải, công trình kiến trúc, hàng không, quân đội…
Tại Việt Nam, thú chơi, sưu tập mô hình cũng phổ biến từ lâu, chẳng hạn như về các nhân vật trong phim, xe cộ, máy bay, siêu nhân… và giá trị của những bộ sưu tập này không hề nhỏ, nếu không muốn nói là cả một gia tài. Với một người thuộc thế hệ 8x như Dũng và từng trải qua đủ thứ nghề như mộc, đục, chạm, làm biển quảng cáo, học thiết kế, kiến trúc, việc anh thích và say mê những mô hình xe cộ, nhà cửa không có gì lạ. Khác biệt là thay vì bỏ ra một đống tiền săn tìm những mô hình đắt đỏ của nước ngoài sản xuất, anh muốn tự mình làm ra các mô hình nhà ở Việt Nam mà cụ thể là tại thành phố Nam Định và Hà Nội. Vậy là từ năm 2019, Dũng bắt tay vào làm một cách nghiêm túc, với mô hình kiến trúc đầu tiên được anh hoàn thành chính là số nhà 140 Hàng Tiện mà chúng tôi đã ghé qua.
Nhìn qua, thật khó biết Dũng sử dụng loại vật liệu gì để làm khung mô hình, trước khi anh nói đó là formex, một loại xốp nén dễ tạo hình, dễ liên kết. Do từng có một thời gian làm các công việc liên quan quảng cáo, nên Dũng biết rất rõ về formex và thay vì phải suy nghĩ nên chọn vật liệu gì, anh chỉ cần lựa chọn ngôi nhà mình muốn làm. Sau đó, anh đến hiện trường chụp ảnh công trình ở các góc khác nhau, rồi đo đạc, chia tỷ lệ.
Khi có được dữ liệu, Dũng lên bản vẽ và quyết định làm theo tỷ lệ nào, trong đó phần lớn các mô hình là theo tỷ lệ quốc tế 1:35; rồi phác thảo bản vẽ lên tấm formex. Điều thuận lợi cho anh là những ngôi nhà, biệt thự ở Nam Định và Hà Nội thường mang phong cách Pháp, với đặc trưng là tính đối xứng, mầu sắc trung tính, nhẹ nhàng. Vì thế, ngay cả khi ngôi nhà có bị hư hại hay bị phá hỏng một phần, anh cũng có thể cắt gọt đúng với kiến trúc.
Nhìn chung, một mô hình nhà đơn giản sẽ lấy đi của Dũng khoảng một tháng và hai tháng đối với mô hình biệt thự. Điều làm tôi ấn tượng chính là những chi tiết nhỏ trên mỗi mô hình, như phù điêu hoa lá, chấn song cửa sổ, lan can, cửa xếp. Như Dũng cho biết, phù điêu ở các ngôi nhà, biệt thự đều được anh khắc tay, trong khi những chi tiết của cửa đi, cửa sổ được anh sử dụng tăm tre hoặc dây đồng uốn lại rồi hàn vào tạo liên kết hoa văn. Sau này, anh dùng công nghệ in 3D để làm ra những ô cửa sổ, lan can, cửa xếp bằng nhựa. Thậm chí, những mô hình xe máy, ô-tô và người theo tỷ lệ 1:35 cũng được anh sử dụng công nghệ in 3D để tạo nên. Khó nhất có lẽ là những mô hình xe máy với hàng chục chi tiết và để dựng một chiếc Dream bé xíu, anh phải tẩn mẩn ngồi dán keo và lắp ráp hoàn chỉnh.
Điều khó tin là những ngôi nhà, biệt thự mô hình đó được tạo ra trên một chiếc bàn học sinh bé tẹo, trong cái cửa hàng chật chội có diện tích chưa đầy 10 m2. Anh tâm sự, chỉ ở đây, anh mới có thể có cảm hứng làm việc, bên cạnh thời gian dành cho Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và kiến trúc Đông Tây và thời gian sinh hoạt cùng cả gia đình tại nơi khác.
Lúc chúng tôi chia tay nhau, Dũng chia sẻ, anh ước mình có thể sắp xếp thời gian để được lang thang ở Hà Nội vào một buổi sáng sớm, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn những con phố cổ, những ngôi nhà cũ mà thành phố Nam Định của anh đang mất dần đi. Trải nghiệm đó sẽ giúp anh có thêm cảm xúc và động lực để tái hiện phố xưa, nhà cũ qua các mô hình, như nhà số 36 Châu Long (quận Ba Đình), 22 Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) hay Trường mầm non 1-6 nằm trên phố Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) của Hà Nội, 140 Hàng Tiện, 90 Hai Bà Trưng của Nam Định... mà anh đã làm, để nhắc nhở không chỉ các thế hệ trước anh, thế hệ của anh và sau này biết rằng, Thành Nam cảnh trí an bài/Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông/Nhất thành là phố Cửa Đông/Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao/Hàng Giầy đẹp khách yêu đào/Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân… (Thành Nam cảnh trí) hay Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:/Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,/Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay,… (Hà Nội 36 phố phường) chỉ còn trong văn chương, hội họa, những hoài niệm lưu luyến và chúng ta mãi mãi không bao giờ tìm lại được.