Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam

Sáng 26/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM tiếp bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNDP trong hỗ trợ sự phát triển trên phạm vi thế giới và vui mừng trước những hoạt động hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và UNDP từ nhiều thập kỷ qua. Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đã có nhiều sáng kiến, hoạt động góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc nói chung và quan hệ hợp tác Việt Nam-UNDP nói riêng; đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế...

Thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn UNDP tiếp tục phối hợp Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ y tế cơ sở, y tế dự phòng, giúp Việt Nam tăng khả năng sẵn sàng ứng phó các dịch bệnh trong tương lai; giúp Việt Nam rà soát và đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); chia sẻ kinh nghiệm và các thực hành tốt trên thế giới về giải quyết các tác động kinh tế-xã hội tới các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, của các thành phần kinh tế và các hệ sinh thái.

Bà Caitlin Wiesen khẳng định, sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa vào mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Việt Nam-UNDP giai đoạn 2022-2026.

Các lĩnh vực trọng tâm của Chương trình bao gồm: Chuyển đổi kinh tế, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, không để các nhóm dễ bị tổn thương rơi vào tình trạng nghèo sau đại dịch Covid-19; giảm nghèo đa chiều; ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và bảo đảm bền vững môi trường, thông qua giải quyết các mối liên kết giữa nghèo đói-môi trường và khí hậu-sức khỏe, thiết kế và triển khai các giải pháp phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường; thúc đẩy dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia của người dân, bao gồm của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.