Giám sát tối cao của Quốc hội cần gọn hơn về phạm vi để tiếp tục nâng cao chất lượng

NDO - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 sáng 17/11. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 sáng 17/11. (Ảnh: DUY LINH)

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát

Sáng 17/11, phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện.

Thông qua các hoạt động giám sát đã phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót hạn chế vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, năm 2023, thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ kịp thời nội dung báo cáo theo đề cương yêu cầu của các Đoàn giám sát cũng như các thông tin tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung giám sát.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, các báo cáo thực hiện của Chính phủ được đoàn giám sát ghi nhận, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng, quá trình thực hiện các Chương trình giám sát vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số nội dung giám sát đôi khi có sự trùng lặp giữa các nghị quyết về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn của Quốc hội dẫn đến tình trạng Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội Ủy ban Thường vụ quốc hội nhiều lần với cùng một nội dung. Vấn đề này làm cho số liệu báo cáo và nhận định nhiều khi không có sự tương đồng với nhau.

Ngoài ra, một số nội dung yêu cầu trong báo cáo giám sát có lúc chưa cụ thể về phạm vi không gian, thời gian địa điểm dẫn đến việc báo cáo và kiểm chứng thực hiện còn gặp khó khăn, lúng túng, khó xác định rõ người, rõ việc trong quá trình thực hiện.

Giám sát tối cao của Quốc hội cần gọn hơn về phạm vi để tiếp tục nâng cao chất lượng ảnh 1

Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Thủ tướng khẳng định, những vấn đề nêu trên và một số vấn đề phát sinh được Đoàn giám sát yêu cầu trong thời gian khá ngắn trong khi các bộ, ngành, địa phương cần có thời gian để rà soát báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát nên tiến độ báo cáo, cùng với nhiều lý do chủ quan khác, nhiều khi kéo dài không đáp ứng được yêu cầu của Đoàn giám sát.

Về Chương trình giám sát năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, ngay sau khi có Chương trình giám sát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo để làm việc với đoàn giám sát.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, Phó Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Đồng thời, các ủy ban, các đơn vị chuyên môn của Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch đề cương báo cáo giám sát, cũng như trong quá trình thực hiện giám sát.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn.

Cần thiết sửa đổi Luật về hoạt động giám sát

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Qua 7 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thấy, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện…

Giám sát tối cao của Quốc hội cần gọn hơn về phạm vi để tiếp tục nâng cao chất lượng ảnh 2

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.

Theo bà Cao Thị Xuân, trên cơ sở đánh giá sơ bộ kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế qua 7 năm thi hành Luật, Ban Chỉ đạo cơ bản đã thống nhất và cho ý kiến tiếp tục rà soát, bổ sung 5 chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Luật, gồm:

Chính sách 1: Gắn hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được đề ra, tình hình thực tế của đất nước, của địa phương.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn hoạt động giám sát.

Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng, quản lý, bảo quản, xử lý thông tin từ các tài liệu, dữ liệu, hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác trong hoạt động giám sát.

Trình bày tham luận, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát.