Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina

Sáng 27/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Vương Bân, Tổng Giám đốc Tập đoàn PowerChina (Trung Quốc).
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cùng sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án hạ tầng giao thông kết nối qua biên giới, phục vụ hoạt động giao thương kinh tế, đầu tư, thương mại. Các công trình kết nối hạ tầng giao thông sẽ là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cần quan tâm đến các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam để hai bên hợp tác, “cùng thắng”. Phó Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có PowerChina, tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo; mong muốn các dự án này sẽ trở thành hình mẫu của hợp tác hiệu quả, chất lượng.

Ông Vương Bân cho biết, PowerChina có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai dự án, cũng như đào tạo nhân lực tại chỗ; chia sẻ về một số dự án năng lượng tái tạo đang được Tập đoàn triển khai, nhất là các giải pháp lưu trữ năng lượng trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Trung Quốc để bảo đảm ổn định, cân bằng, an toàn của hệ thống điện, trong đó, mô hình thủy điện tích năng đã chứng tỏ hiệu quả cao; cho biết, PowerChina cũng có nhiều kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt cao tốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm việc, hỗ trợ PowerChina tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông cụ thể, phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina ảnh 1

Hội thảo về đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 27/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” dự Hội thảo về đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đề án là một nhánh của công tác dân nguyện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến từ các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề cương sơ bộ của Đề án. Đồng chí đề nghị tiếp tục lắng nghe các ý kiến về lý luận, thực tiễn để làm rõ khái niệm, bản chất, vai trò công tác dân nguyện của Quốc hội; đánh giá thực trạng pháp luật về công tác dân nguyện nói chung của Nhà nước, trong đó, trọng tâm là công tác dân nguyện của Quốc hội; làm rõ thực trạng hoạt động công tác dân nguyện thời gian qua, nhất là kinh nghiệm của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, thực tế công tác dân nguyện từ đầu nhiệm kỳ khóa XV để làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động công tác dân nguyện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với các cơ quan về triển khai biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 5. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

* Sáng 27/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự cuộc làm việc với các cơ quan về triển khai biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 5 (giai đoạn 2011-2026)” và tổ chức nghiên cứu Đề tài cấp Bộ về lịch sử 50 năm Quốc hội Việt Nam-Quốc hội Lào. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, là công việc đòi hỏi yêu cầu cao cả về mặt chuyên môn cũng như tính chính trị-xã hội, do đó các cơ quan, đơn vị cần tiến hành đồng bộ, khẩn trương, khoa học, huy động tối đa lực lượng trong và ngoài Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Về đề cương của cuốn sách, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Tập 5 có ý nghĩa rất quan trọng và nổi bật, phản ánh một giai đoạn lịch sử trong công cuộc đổi mới của đất nước đi vào chiều sâu về phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; với mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng tiếp nối, có sự chuyển tiếp, kế thừa ngay sau Tập 4 và nên bổ sung thêm nội dung về công tác dân nguyện; chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; vai trò của Quốc hội đối với việc nâng cao vị trí, chất lượng của hệ thống cơ quan dân cử trên cả nước và trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đối với Đề tài cấp Bộ về lịch sử 50 năm Quốc hội Việt Nam-Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua tích cực, khẩn trương triển khai các tiến độ công việc; đồng thời đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan đối ngoại liên quan; thường xuyên liên hệ, lấy ý kiến từ Quốc hội Lào để có thể sớm hoàn thiện và bảo vệ Đề tài vào đầu năm 2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp lãnh đạo Tập đoàn PowerChina ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Tổ giúp việc Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 27/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” chủ trì cuộc làm việc với Tổ giúp việc, xem xét tình hình, tiến độ triển khai hoạt động của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nghị quyết liên quan của Quốc hội. Kết quả giám sát xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia trong phạm vi giám sát, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chung quanh các nội dung Kế hoạch giám sát được Tổ giúp việc tham mưu xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung khảo sát thực tế với một số dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; đi sâu vào những vấn đề vướng mắc, khó khăn của địa phương.