Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung, như: quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để bảo đảm công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI dự thảo; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai….
Đáng chú ý trong đó, một số ý kiến nêu rõ, rất nhiều bất cập, kẽ hở trong chính sách đất đai đã được phát hiện qua công tác thanh tra như: một số địa phương buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai; việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không sát thực tế, không đúng thẩm quyền, xác định giá đất thấp hơn so với thị trường, cho thuê đất, giao đất không qua đấu giá… Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung đề ra các quy định xử lý tốt thực trạng nêu trên.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa hình thành được cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Mặc dù dự án luật đã chú trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.
Nhiều đại biểu cho rằng, Luật sửa đổi cần xây dựng các trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, từng bước hạn chế khiếu kiện, bức xúc. Nhất là cần hướng tới phương châm: đơn giản, nhanh chóng, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, đang gây phiền hà cho người dân….
Bồi thường cho người dân bị thu hồi đất cần có những quy định hợp lý, hợp tình. Trong đó, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
Các đại biểu khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa cấp thiết của việc khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai và hệ thống pháp luật liên quan, bảo đảm yêu cầu đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; chú trọng sự đồng bộ thống nhất với Hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh. Đồng thời, Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý phòng và chống được vi phạm pháp luật về đất đai để bảo đảm quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường, phù hợp thực tiễn. Việc thực thi Luật Đất đai cần nghiêm chỉnh hơn; cần nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn trong đó có Tòa án về đất đai, cơ quan Thanh tra về đất đai. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai: về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản...