Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, đầu tháng 9, thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản người dân, cơ sở hạ tầng khoảng 125 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, thiệt hại do thiên tai tại Cao Bằng hơn 248 tỷ đồng.
Về người, tại địa phương có 45 người chết, 15 người bị thương, còn 8 người mất tích. Trong đó, tại địa bàn huyện Nguyên Bình, nơi bị thương vong, thiệt hại nặng nề do sạt lở đất, mưa lũ, có 44 người chết, 14 người bị thương, 8 người đang mất tích.
Thiệt hại về nhà ở 1.449 căn nhà; trong đó, thiệt hại hư hỏng hoàn toàn 36 căn nhà. Về giao thông, do mưa kéo dài, nền đất ngấm nước, bão hòa, sạt lở, có 2.621 điểm sạt lở, ngập lụt ách tắc trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường giao thông nông thôn. Có hơn 1.600ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Về phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm 6 tháng của địa phương đạt 4,54%.
Trong 8 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu kinh tế của địa phương tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 65,3% kế hoạch, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt hơn 644 triệu USD, bằng 90% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu ngân sách được 1.732 tỷ đồng, bằng 90,3% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Văn hóa, xã hội, nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ người dân vùng mưa lũ, sạt lở đất được triển khai, thực hiện kịp thời. Quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Công đoàn Bộ Ngoại giao hỗ trợ 250 triệu đồng cho các địa phương trong tỉnh Cao Bằng khắc phục hậu quả thiên tai. |
Đầu năm 2024, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kết nối, hội nhập quốc tế. Trong đó, có hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương trong Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); hoạt động đối ngoại tại Thụy Sĩ, Cộng hòa Italia, Liên bang Nga.
Tỉnh Cao Bằng cũng xác định một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (8 tháng, được 33,6% kế hoạch); công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án trọng điểm chậm; năng lực cạnh tranh hạn chế, thu hút đầu tư của địa phương gặp khó khăn; chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Khai mạc hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Đợt mưa lũ, sạt lở đất xảy ra đầu tháng 9 gây thiệt hại nặng nề đời sống, sản xuất của người dân, cơ sở hạ tầng, gây thêm trở ngại cho nhiệm vụ giảm nghèo nhanh, bền vững và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa bàn.
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương kinh phí và gạo để khắc phục hậu quả thiên tai. Trung ương xem xét, xây dựng Luật Khu kinh tế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khu kinh tế; xem xét bố trí ngân sách cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng các cửa khẩu tại địa phương.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng quà người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. |
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục khẩn trương, quyết liệt tìm kiếm người mất tích do sạt lở đất; đồng thời, khẩn trương khắc phục tình trạng giao thông ách tắc, chia cắt các địa bàn.
Địa phương cần tổ chức, thực hiện tốt việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, nước sạch cho người dân khu vực bị sạt lở và người dân khu vực bị chia cắt, cô lập.
Đánh giá cao thương mại, du lịch, dịch vụ, thu ngân sách 8 tháng của tỉnh Cao Bằng tăng trưởng tốt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối ngoại, hội nhập quốc tế rất quan trọng, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục phát huy, giao lưu, hợp tác, kết nối, thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Địa phương cũng cần quan tâm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; quan tâm xây dựng Cửa khẩu thông minh, nâng cao năng lực thông quan và giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi. Địa phương cũng cần tiếp tục đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển.
Dịp này, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho 3 huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm khắc phục thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Trước đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã thăm, làm việc, tặng quà Đồn Biên phòng Đàm Thủy; tặng quà 30 gia đình tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; thị sát Trạm Kiểm soát Biên phòng thác Bản Giốc.