Khi đi trên đường Hai Bà Trưng đối diện nhà thờ Tân Định (Sài Gòn) thấy treo bảng hiệu "Phở đà điểu", ngay lập tức tôi tấp xe vào. Cô hầu bàn đưa ra bảng thực đơn, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là giá hơi "dội": 27.000 đồng/tô thường và 37.000 đồng/tô đặc biệt. Hỏi thì mới biết tô đặc biệt có thêm gân đà điểu. Đã trót thì phải trét, tôi gọi luôn tô đặc biệt để thử gân của con vật trông thì giống gà nhưng thịt lại giống bò này.
Vừa ăn tôi vừa ngắm nhìn khung cảnh chung quanh và hài lòng khi thấy bàn ghế sạch đẹp, thậm chí khá sang trọng. Quanh các bức tường là những chiếc tủ trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ như ví nam nữ, dây nịt, giày được làm từ da đà điểu; những quả trứng đà điểu làm đèn ngủ được trang trí bằng tranh Đông Hồ. Trên bàn ăn là những chiếc đĩa men bóng loáng của gốm sứ Minh Long. Bát phở được bưng lên trông khá ngon mắt với những lát thịt nâu thẫm của đà điểu.
Thơm. Quả tình là rất thơm. Ngọt, nhưng không phải vị của bột nêm. Có mùi phở nồng nàn nhưng không lộ liễu vị gừng nướng để tẩy mùi thịt. Tôi an tâm chén sạch một tô to đùng.
Nhưng phở đà điểu có gì khác với phở bò, nhất là miếng thịt chín có mầu na ná nhau? Có. Đó chính là cái mùi vị là lạ của lát thịt không thể lẫn với bò hay trâu: nhất là những miếng gân bé bằng đầu đũa, nhai sần sật, không quá dai và không quá mềm.
Theo tài liệu của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, ưu điểm của thịt đà điểu là protein và calorie cao bằng thịt bò (hơn gà, cá), mỡ rất thấp và đặc biệt lượng cholesterol thấp nhất (nếu với heo là 80-105mg/kg, bò 63mg/kg, gà và cá 58mg/kg thì đà điểu là 38mg/kg). Ở Trung Quốc, 1 kg thịt đà điểu giá 20 USD, ở Mỹ, châu Âu 40 USD. |
Thiên Sanh Trí là một người Chăm, mới 36 tuổi nhưng đã là một tỷ phú.
Quê Trí ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, một nơi đất đai trắng lóa mắt, khô cằn. Học ở Phan Rang đến hết lớp 9, Trí theo cha thuyên chuyển về Cần Thơ. Anh tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh tại Đại học Cần Thơ. Năm 1988, Trí xuất hiện trên một tờ báo, bởi là người dạy tiếng Nhật đầu tiên ở Cần Thơ. Sở dĩ có chuyện này là vì Trí mê làm kinh tế, mà lĩnh vực này thì người Nhật là số một. Năm 16 tuổi, Trí gửi thư cho Đài NKK bày tỏ nguyện vọng của mình về chuyện học tiếng Nhật nhưng không có sách. Thế là NHK gửi cho anh một thùng. Sau hai năm tự học. Trí bèn mở lớp dạy tiếng Nhật miễn phí để có đối tượng thực hành và thế là nổi tiếng.
Sau khi ra trường, Trí làm việc cho Hội Hợp tác kỹ thuật Việt - Nhật tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1994, anh làm hướng dẫn viên cho Saigontourist phụ trách các đoàn khách Nhật. Chính công việc này đã đem lại cho Trí nhiều phi vụ béo bở trong lĩnh vực mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là hàng dệt thổ cẩm của người Chăm. Có tiền, anh đầu tư vào đất đai.
Năm 1995, Trí thấy báo đưa tin về chuyến đi của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đến Nam Phi và ông được tặng một số trứng đà điểu. Số trứng này được giao cho Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Ba Vì, Hà Tây) để ấp nở. Anh nghĩ đất quê mình khô cằn như châu Phi, sao không thử đem con vật này về Phan Rang. Nghĩ là làm, anh mua 22 ha đất ở quê nhà rồi chạy ra Thụy Phương nằn nì mua con giống đà điểu. Từ mươi con thuở ban đầu, giờ đây trang trại của Trí đã có đến cả 100 con.
Những sản phẩm từ da đà điểu.
Nuôi đà điểu không khó, cái khó là tìm đầu ra. Để bán được thịt, Trí phải tốn... thịt đà điểu cho các chủ nhà hàng ăn thử. Giờ đây đã có một số nhà hàng lớn lấy thịt thường xuyên. Còn da đà điểu, Trí phải lần mò vào những cơ sở thuộc da có tiếng ở quận 11 (TP Hồ Chí Minh) để năn nỉ họ thuộc giùm cái thứ hàng chưa bao giờ làm này để cho ra những ví, túi xách tám mầu. Anh tìm đến những họa sĩ chuyên khắc sừng trâu nhờ sáng tác trên vỏ trứng đà điểu để biến nó thành những chiếc đèn ngủ xinh đẹp.
Và mới đây nhất, Trí lại nảy ra sáng kiến nấu phở đà điểu. Trí mơ: "Sắp tới tôi sẽ mở nhà hàng đà điểu bảy món. Cái khó hiện nay là thịt đà điểu còn cao giá (170.000 đồng/kg) vì giá con giống quá cao".
Trí tâm sự hạnh phúc lớn nhất của anh là giờ đây trong những khách sạn lớn như Rex, Caravelle đều có bày bán những sản phẩm mỹ nghệ từ da đà điểu, vốn có xuất xứ từ một làng quê nghèo khó nhất Việt Nam.