Theo Bộ Giáo dục Philippines, khoảng 100 trường học công lập ở các khu vực có nguy cơ thấp được phép tổ chức các lớp học trực tiếp theo 1 chương trình thí điểm kéo dài trong 2 tháng.
Để được mở cửa trở lại, nhà chức trách Philippines yêu cầu các trường giảm sĩ số lớp học xuống một nửa, trong khi chỉ các giáo viên và nhân viên nhà trường đã tiêm vaccine mới được phép tiếp xúc với học sinh.
Các học sinh cũng phải đeo khẩu khi lên lớp, ngồi giãn cách với nhau bởi các vách ngăn nhựa. Nhà trường cũng được yêu cầu lắp đặt thêm các trạm rửa tay.
Dự kiến, chương trình thí điểm này sẽ mở rộng thêm cho nhiều trường học khác trong thời gian tới, phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 và số ca mắc mới giảm.
Trước đó, Philippines đóng cửa trường học kể từ tháng 3/2020 để phòng, chống dịch, khiến việc học tập của 27 triệu học sinh nước này bị gián đoạn.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ủng hộ việc Philippines mở cửa lại trường học theo từng giai đoạn và bảo đảm an toàn. Cơ quan này cảnh báo, việc đóng cửa trường học kéo dài trong "cuộc khủng hoảng học tập" có thể dẫn đến một "thảm họa".
Trong bối cảnh các trường học phải đóng cửa, thiếu các phương tiện học tập từ xa như máy tính, điện thoại và internet, cùng với chất lượng giáo dục không đồng đều được xem là thách thức lớn đối với việc học trực tuyến của học sinh Philippines.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính, việc đóng cửa trường học hơn 1 năm có thể làm giảm thu nhập tương lai của học sinh trong khu vực lên tới 1,25 nghìn tỷ USD, tương đương 5,4% GDP năm 2020.