Phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc bướu giáp thòng

NDO - Chiều 17/3, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật thành công 1 bệnh nhân mắc bướu giáp thòng, một dạng khối u của tuyến giáp phát triển lớn vào trong lồng ngực, có kích thước lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện sức khỏe bệnh nhân P.T.T. tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Hiện sức khỏe bệnh nhân P.T.T. tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bệnh nhân là P.T.T 33 tuổi, trú tại xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, một trong những bác sĩ mổ chính trong ca phẫu thuật cho biết, bệnh nhân T. nhập viện với tình trạng khó thở, khó nuốt. Kết quả chụp MRI thể hiện bướu có kích thước rất lớn 10.7.5cm. Đây là bướu giáp thòng, tràn xuống ngực rất hiếm gặp.

Khai thác tiền sử bệnh, cách đây 5 năm, bệnh nhân T. đã được phẫu thuật 1 lần để cắt bỏ 1 phần khối u. Do bướu tuyến giáp thòng nên rất khó lấy hết 1 lần. Sau đó, vì điều kiện gia đình khó khăn, bệnh nhân không đi tái khám, cho đến khi bệnh tình trở nặng. Sau khi có kết luận về tình trạng của bệnh nhân, xác định đây là ca bệnh khó, khối u có kích thước lớn, thòng xuống ngực gây chèn ép khí quản, cần mổ sớm.

Những trường hợp hiếm gặp này thường được thực hiện ở các trung tâm chuyên sâu tuyến trên nên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tư vấn chuyển bệnh nhân xuống các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật. Tuy nhiên, do gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn được các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên thực hiện ca phẫu thuật.

Trước nguyện vọng của bệnh nhân và gia đình, phía bệnh viện tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa như: khoa ung bướu, khoa gây mê hồi sức, ngoại tổng quát… để thực hiện ca phẫu thuật.

Ngay sau khi hội chẩn, một kíp mổ gồm 5 bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, mở ngực, tách bóc toàn bộ khối u. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, quá trình phẫu thuật bệnh nhân phải truyền 4 đơn vị máu. Sau 6 ngày phẫu thuật, vết mổ của bệnh nhân T. đã khô, không có vấn đề gì bất thường, giao tiếp bình thường.

Cũng theo bác sĩ Giáp, xác định trường hợp bệnh nhân là bệnh lý khó và ít gặp, quá trình phẫu thuật có nhiều nguy cơ nên bệnh viện đã chuẩn bị thật kỹ. Nhờ sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa đã tạo nên thành công cho ca mổ. Hiện bệnh nhân đã khoẻ mạnh, tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Được biết, đến nay Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai hầu hết các kỹ thuật điều trị về bệnh lý tuyến giáp như: phẫu thuật mổ hở, mổ nội soi, đốt bằng sóng cao tần, điều trị bướu lành, bướu ác tính... Trường hợp bệnh nhân P.T.T. bị u tuyến giáp thòng là một trong những bệnh lý khó nhất của u tuyến giáp, nhưng đã được các bác sĩ của bệnh viện phẫu thuật thành công.