Hiệu quả kinh tế cao
Ông Ngô Văn Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, trước những khó khăn do biến đổi khí hậu nên việc phải chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi thích ứng tình hình, nhất là nuôi tôm để mang lại hiệu quả kinh tế cao là nhu cầu thực tế của huyện Kiên Lương. Thực tiễn đã minh chứng, mô hình NTCN ƯDCNC có thể ngăn được mầm bệnh từ trong đất, làm giảm dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi tôm, năng suất cao hơn từ bốn đến năm lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh theo phương pháp truyền thống.
Hiện nay diện tích NTCN trên địa bàn huyện Kiên Lương đã được mở rộng lên hơn 2.800 ha; năng suất bình quân đạt 8,9 tấn/ha, sản lượng đạt 22.400 tấn. Trong đó, Kiên Lương đã chuyển đổi diện tích NTCN theo phương pháp truyền thống sang NTCN ƯDCNC được 757 ha, chiếm 27% tổng diện tích, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha, sản lượng 18.925 tấn.
Ðến nay, Kiên Lương có hơn 100 hộ dân chuyển đổi diện tích NTCN theo phương pháp truyền thống sang NTCN ƯDCNC với tổng diện tích 450 ha. Nhiều hộ chuyển đổi đạt hiệu quả cao như các ông: Vương Quốc Phong (ấp Tà Săng, xã Dương Hòa), diện tích 20 ha, năng suất 120 tấn/năm. Ông Phạm Ðức Thuận (ấp Tà Săng, xã Dương Hòa), với diện tích 11 ha, năng suất 66 tấn/năm. Ông Ðặng Văn Nhàn (ấp Hòn Chông, xã Bình An), diện tích 4 ha, năng suất 24 tấn/năm…
Nhờ NTCN ƯDCNC, anh Phạm Văn Giai (48 tuổi) ngụ thị trấn Kiên Lương thu về tiền tỷ. Anh Giai cho biết, cuối năm 2019, anh đầu tư bốn bể nuôi, trung bình 500 m3/bể, tổng diện tích 3 ha, kinh phí hơn 500 triệu đồng. Qua ba lứa nuôi đều mang lại hiệu quả cao, thu về 1,8 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận gần một tỷ đồng. "Nuôi tôm trong bể ƯDCNC không cần nhiều diện tích, lại có thể nuôi mật độ dày, dễ quản lý cho ăn và chăm sóc, đến khi thu hoạch thương lái dễ dàng thu mua do đồng kích cỡ. Tuy nhiên, việc nuôi này đầu tư lớn, nhiều người "ngán" tiền đầu tư ban đầu. Quá trình nuôi lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, cần phải có người am hiểu kỹ thuật hướng dẫn kỹ càng, bảo đảm điện quay cánh quạt tạo ô-xy 24 giờ mỗi ngày. Tuy vậy, việc đầu tư ao nuôi tôm trong bể bạt ƯDCNC có cái thuận lợi là đầu tư một lần có thể sử dụng năm đến bảy năm; có thể nuôi tôm nối vụ, từ ba đến bốn lứa/năm, từ đó giảm chi phí trong cải tạo ao nuôi so với nuôi quảng canh hay nuôi ao", anh Giai cho biết.
Huyện Kiên Lương hiện có sáu doanh nghiệp đã chuyển hoàn toàn sang mô hình nuôi tôm ƯDCNC với tổng diện tích 307 ha, trong đó có hai doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ƯDCNC là Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn và Công ty Thủy sản Minh Phú Kiên Giang. Riêng Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn là đơn vị đầu tiên của tỉnh có chu trình sản xuất khép kín (sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu tôm) đã và đang tạo sức lan tỏa cho doanh nghiệp và hộ dân nuôi tôm vùng Tứ giác Long Xuyên. Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn là một trong ba đơn vị chế biến thủy sản của Việt Nam được đoàn công tác của Ô-xtrây-li-a đánh giá có chuỗi sản xuất tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm vào thị trường Ô-xtrây-li-a.
Ðể trở thành khu nuôi tôm công nghệ
Theo Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, với tiềm năng lớn về mặt nước, mặt đất và đa dạng mô hình nuôi trồng thủy sản, thời gian qua huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp các vùng sinh thái khác nhau. Huyện tranh thủ các nguồn vốn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, nạo vét kênh mương, kéo điện vùng lõm của các khu NTCN… Ðồng thời triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng NTCN xã Bình Trị. Song song đó, Kiên Lương đã hình thành vùng NTCN tập trung ở xã Dương Hòa, Bình Trị và một phần của xã Hòa Ðiền, Bình An... Ngoài ra, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương thường xuyên giữ mối liên hệ với người dân và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm sản xuất có hiệu quả.
Có thể khẳng định, việc thực hiện mô hình nuôi tôm ƯDCNC đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kiên Lương, nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân.Theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Kiên Lương lần thứ 13, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định phát triển NTCN ƯDCNC là một trong những khâu đột phá. Ðảng bộ huyện Kiên Lương phấn đấu trong 5 năm tới, diện tích nuôi tôm đạt 7.550 ha, sản lượng 32.588 tấn. Trong đó diện tích NTCN là 2.500 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn.
Ðể thực hiện được các chỉ tiêu này, theo Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng, thời gian tới Kiên Lương sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, từng bước xây dựng từng vùng NTCN tại các xã trọng điểm như: Dương Hòa, Bình Trị, Hòa Ðiền, Bình An. Huyện sẽ tổ chức, lồng ghép tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về sản xuất tôm công nghiệp ƯDCNC nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, huyện Kiên Lương sẽ tranh thủ các nguồn vốn, đầu tư xây dựng hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng cho từng vùng nuôi tôm, đầu tư xây dựng thêm và mở rộng hệ thống đường giao thông, kênh cấp nước và thoát nước, nâng cấp mở rộng lưới điện ba pha. Huyện kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất giống, mở rộng diện tích nuôi tôm ƯDCNC, đề xuất tỉnh kiến nghị Trung ương có chủ trương bố trí tín dụng ưu đãi trung, dài hạn cho doanh nghiệp và người dân NTCN ƯDCNC. "Chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Kiên Lương và định hướng xây dựng Kiên Lương trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của tỉnh Kiên Giang", Chủ tịch Lê Thanh Hưởng nói.
LÊ QUỐC và VIỆT TIẾN