Phát triển thị trường carbon trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tới cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia. Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, các nước trên thế giới triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh TRẦN VIỆT)
Một góc nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh TRẦN VIỆT)

Tại Việt Nam, hiện đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon, tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường carbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện cả nước có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ carbon, tiến tới sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên cả nước sẽ phải đăng ký trên hệ thống này. Khi có trao đổi ra nước ngoài, cần báo cáo cho cơ quan quản lý, bởi hoạt động này ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải chung. Theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cứ hai năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải nộp Báo cáo Minh bạch cho Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ lượng tín chỉ tạo ra tại Việt Nam và lượng tín chỉ bán ra nước ngoài để thực hiện bù trừ giữa hai quốc gia.

Nhằm giảm phát thải carbon, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thị trường carbon ở Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Thị trường carbon trong nước sẽ bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng luôn tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, tín chỉ carbon thu được từ các dự án sẽ được phép lưu thông trên thị trường carbon tại Việt Nam trong tương lai, đồng thời tùy thuộc với các cơ chế song phương và ưu tiên của Chính phủ, có thể được chuyển giao về nước đối tác, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) của các quốc gia.

Việc phát triển thị trường carbon trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, ban hành kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, phát triển thị trường carbon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016…

Đến nay, các mục tiêu cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra đều đạt được, trong đó mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP vượt mục tiêu đề ra (giảm từ 8-10% so với năm 2010), thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Nhiều kết quả trong giảm thiểu, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, tuân thủ cam kết quốc tế, đề án phát triển thị trường carbon trong nước đang được xây dựng; trao đổi tín chỉ carbon quốc tế theo cơ chế phát triển sạch, cơ chế tín chỉ chung hợp tác Việt Nam-Nhật Bản được triển khai…

Gần đây, Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác, là động lực để chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, Quyết định nêu rõ nội dung về nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ về giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải với tính năng, giá thành phù hợp điều kiện của Việt Nam. Cùng với đó, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon ở các nhà máy nhiệt điện và các cơ sở sản xuất phát thải carbon khác.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải carbon thấp.

Cụ thể là Chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng" được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ tháng 7/2022. Chương trình có mục tiêu số một là ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng sạch, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng chiến lược và định hướng phát triển năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, nội dung nghiên cứu của Chương trình bao gồm việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, hydro và một số dạng năng lượng mới khác.