Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. So kết quả rà soát trước đây, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, toàn thành phố có 543 làng nghề đã bị mai một.
Các làng nghề trên địa bàn thành phố đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã có khoảng 1.700 sản phẩm OCOP, trong đó có khoảng 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống. Trong số hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận có 6/7 nhóm nghề của cả nước, gồm chế biến, bảo quản nông sản (66 làng nghề); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (23 làng nghề); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh dệt may, cơ khí nhỏ (195 làng nghề)…
Hiện nay, toàn thành phố có 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. So kết quả rà soát trước đây, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, toàn thành phố có 543 làng nghề đã bị mai một.
Các làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, tổng doanh thu từ các làng nghề đạt hơn 2.000 tỷ đồng hằng năm. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh số và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, góp phần đáng kể cho ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của hậu Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng xuất nhập khẩu, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị ảnh hưởng, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề. Hầu hết các cơ sở sản xuất đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào tới đầu ra của sản phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, không gian sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất... ảnh hưởng không nhỏ việc phát triển của các làng nghề hiện nay.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội gỗ tại các làng nghề mới đây cho thấy, năng lực sản xuất của các hộ dân đã giảm mạnh so trước khi bùng phát dịch bệnh.
Trong số các làng nghề khảo sát, có các làng nghề sản xuất đồ gỗ: Liên Hà, Vạn Điểm, Hữu Bằng… công suất nơi cao nhất hiện nay mới chỉ đạt hơn 70% và nơi thấp nhất hiện chỉ đạt 50% công suất. Một số làng nghề, từng tham gia làm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài, nay do kinh tế thế giới suy giảm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình tại các làng mặc dù đã quay trở lại sản xuất, nhưng cũng chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận.
Lực lượng lao động tại các làng nghề bị suy giảm, đặc biệt là nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê cho các hộ tại đây. Cùng với đó, vốn vay để phát triển sản xuất cho các làng nghề cũng bị hạn chế do các tổ chức tín dụng tăng lãi suất, chính sách vay vốn siết chặt. Trong số các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ có tới hơn 70% số hộ phải vay vốn. Hoạt động sản xuất đình trệ, nguồn thu bị mất hoặc sụt giảm tạo ra sức ép về các khoản vay rất lớn cho các hộ.
Bà Nguyễn Thị Bảy, chủ hộ sản xuất sản xuất sản phẩm gỗ tại làng nghề Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, thời gian bị dịch bệnh, các hộ kinh doanh phải đóng cửa do không có khách hàng mua hàng. Khi trở lại giai đoạn bình thường mới, các khó khăn của làng nghề vẫn tiếp tục do thiếu nhân công, thiếu thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn sản xuất.
Còn theo Phó Chủ tịch làng nghề mộc Liên Hà (Hà Nội) Nguyễn Trạch Thường, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề gỗ hiện nay, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chính quyền các địa phương. Với vai trò quan trọng của các hộ tại các làng nghề trong phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho người lao động hiện nay, các làng nghề gỗ đề nghị Chính phủ hỗ trợ về vật chất và cơ chế chính sách để phát triển ổn định, bền vững.
Nghề làm nón lá làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội). |
Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, thực tế hiện nay, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các làng nghề ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung còn thấp, mẫu mã đơn điệu, thiếu độ tinh xảo, do đó kém sức cạnh tranh. Làng nghề đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận vay vốn; ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao tay nghề trong khi phải chịu nhiều thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn trong kinh doanh,v.v…
Thị trường tiêu thụ chậm, làng nghề (nhất là các làng nghề truyền thống) mới chỉ bán được những sản phẩm hàng hóa làng nghề đang có, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với thị trường trong nước, sản phẩm của các làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng; với thị trường nước ngoài thì việc tiếp thị còn quá yếu kém. Đáng quan tâm hơn nữa là khâu tiêu thụ chưa được tổ chức tốt; thu nhập của người sản xuất thường thấp, nhiều khâu trung gian thu lợi lớn hơn.
Mặt khác, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức. Nghệ nhân chưa được thu hút vào việc truyền dạy nghề cho lao động nông thôn, chưa được giúp đỡ để sáng tạo mẫu mã mới, cũng chưa được tôn vinh đúng mức.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề vẫn chưa được xử lý hiệu quả. Nhiều làng nghề, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Việc quy hoạch làng nghề triển khai chậm, nhiều cơ sở làng nghề ô nhiễm nặng chưa được di dời.
Nhằm thúc đẩy và phát triển làng nghề, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển làng nghề gắn bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM; tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng làng nghề, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao cho các làng nghề. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ cơ sở sản xuất có kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, tham gia các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường; tăng cường trao đổi kinh nghiệm. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển các mô hình du lịch tại các làng nghề bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, hội góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực tại các địa phương.