Nỗi niềm nghề nón làng Chuông

Làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, mặc dù nghề này không còn hưng thịnh như xưa nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn âm thầm lưu giữ hồn quê hương qua những sản phẩm chiếc nón lá. Tuy nhiên, cũng như thực trạng tại nhiều làng nghề khác, du lịch nón làng Chuông đa phần phát triển theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả thấp.

Các nghệ nhân làng Chuông gia công nón cho các diễn viên múa. (Ảnh: MINH NGHĨA)
Các nghệ nhân làng Chuông gia công nón cho các diễn viên múa. (Ảnh: MINH NGHĨA)

Làng Chuông, ngôi làng nổi tiếng với nghề làm nón hàng trăm năm tuổi. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề nón của làng có từ lâu lắm rồi, thế hệ trước truyền sang thế hệ sau, cứ vậy những bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của người dân, cùng làm ra những chiếc nón lá đẹp. Nguyên liệu chính để làm ra nón là lá lụi, được mua từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... trải qua nhiều công đoạn như vò với cát, phơi lá khô rồi duỗi cho thẳng ra, mới có thể sử dụng được.

Làm nón có nhiều khâu, nhưng khó nhất là quay nón, khâu quyết định thẩm mỹ của chiếc nón. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc nón mới phẳng, khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chóp, lá được xếp đều nhau tránh bị cộm.

Chẳng những vậy, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, không rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vành được vót tròn, đều và khi khâu không làm đứt cước. Mũi khâu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu. Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được giấu kín. Khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu. Những công đoạn tỉ mỉ, bàn tay tài hoa đó cũng là nét riêng biệt của nón làng Chuông so với nón lá ở các làng nghề khác.

Nhớ lại thời làm nón hưng thịnh của làng, bà Phạm Thị Phấn cho biết: Khoảng vài chục năm về trước, ở làng nhà nhà làm nón, người già, người trẻ thi nhau đan nón. Ngày ấy, đan nón truyền thống là nghề chính của người dân trong làng. Người già chỉ dạy lớp trẻ học nghề, cả làng khi nào cũng đông vui tấp nập. Nhưng khoảng 2 năm trở về đây, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu đi các nước vì thế thu nhập cũng không được cao. Bà và nhiều người dân mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho nghề nón được phát triển hơn, tìm được đầu ra.

Điều mà những nghệ nhân trong vùng trăn trở đối với phát triển du lịch làng nghề hiện nay là thiếu tổ chức đứng ra để liên kết hoạt động giữa các làng nghề trong vùng tạo thành một chuỗi du lịch trải nghiệm có hệ thống. Hiện nay, xã Phương Trung đang tập trung rất nhiều làng nghề với các sản phẩm đặc trưng như nghề làm nón, làm quạt, làm lồng chim,… Nhưng do không có tính liên kết với nhau, phần lớn các gia đình đều đón khách tự phát, quy mô nhỏ, vì vậy, nhìn chung trải nghiệm du lịch còn rời rạc. Khi muốn liên hệ tham quan trải nghiệm tại làng nghề, khách du lịch sẽ phải liên hệ với tất cả những địa chỉ mà họ muốn trải nghiệm và đưa ra từng yêu cầu chứ chưa có bất cứ chương trình cụ thể nào dành cho khách.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết: Các hoạt động du lịch trải nghiệm tại làng Chuông hiện nay bao gồm tham quan các đình, chùa tại làng, trải nghiệm sinh hoạt trong không gian nhà cổ. Cùng với tham quan, khách du lịch được các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử làng Chuông cũng như được trải nghiệm trực tiếp cách làm nón. Nghệ nhân Thu Hương đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP 4 sao do Sở Công thương thành phố Hà Nội chấm điểm.

Các hoạt động nêu trên khá đơn điệu, chỉ thu hút một bộ phận học sinh và du khách nước ngoài. Các sản phẩm du lịch tại làng hiện nay còn rất hạn chế. Chẳng hạn, nón lá là một trong những sản phẩm làng nghề nổi bật. Tuy nhiên đây cũng là sản phẩm độc nhất, hầu như không có sản phẩm phụ trợ liên quan, bởi vậy sức mua của khách không cao, hiệu quả từ du lịch thấp.

Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết: Hiện địa phương đang thiếu không gian để giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm. Mặt khác, việc liên kết các cơ sở, hộ gia đình làm nghề vẫn phải đợi cơ chế, chính sách từ nhà nước. Để đầu tư làm du lịch làng nghề, cần có mặt bằng rộng, rất tốn kém kinh phí, hơn nữa chưa có nhiều người muốn đầu tư làm du lịch làng nghề.

Ông Hùng chia sẻ thêm, thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập cụm công nghiệp nhằm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Xã Phương Trung dự định sẽ dành một khu vực riêng để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, nhằm tạo bước đệm cho phát triển du lịch, qua đó gìn giữ truyền thống nghề làm nón làng Chuông.

Nón Làng Chuông đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Khách “sành” sẽ biết tìm về làng Chuông để mua nón bởi nó mang nhiều nét đặc trưng không hòa lẫn.

Nghề làm nón vốn yêu cầu sự công phu, cần mẫn và sự nhiệt huyết của người làm nghề. Vì vậy, những người dân làng Chuông tâm huyết với nghề làm nón luôn mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho những nghệ nhân tìm được cơ hội phát triển tốt hơn, gìn giữ nghề cho thế hệ mai sau.