Trăn trở của đội ngũ chuyên gia, những người phản biện chính sách hiện nay là làm thế nào để giữ được tinh thần khởi nghiệp bừng lên từ hiệu ứng thi hành Luật Doanh nghiệp trước đây.
Khích lệ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp
Giai đoạn đầu thi hành Luật Doanh nghiệp 2020, ước mơ của đa số người trẻ ra trường là được vào làm việc trong công ty nhà nước nhưng bối cảnh hiện nay đã khác. Thế hệ trẻ không còn chú tâm vào làm việc ở khu vực nhà nước, thậm chí có dòng chảy ngược lại từ khu vực nhà nước ra ngoài lập nghiệp.
Xét ở nhiều góc độ, đó không phải chảy máu chất xám, vì nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Quan trọng là làm sao động viên và giữ được tinh thần kinh doanh cho thế hệ trẻ, tạo môi trường khởi nghiệp cho họ.
Các chính sách cho khởi nghiệp phải thân thiện hơn, an toàn hơn và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Gốc rễ để phát triển doanh nghiệp và chăm bón tinh thần khởi nghiệp là bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện.
Một vấn đề chưa được cải thiện nhiều trong môi trường kinh doanh Việt Nam là tính phi chính thức của khu vực tư nhân rất cao: Hộ kinh doanh cá thể chiếm khoảng 30% GDP trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10%.
Ngay cả trong khu vực chính thức 10% này, “vùng xám” vẫn chiếm số lượng lớn. Xét ở góc độ tích cực, “vùng xám” đem mang lại một số lợi ích, giúp họ “ẩn mình”, tránh sự chú ý của các cơ quan thuế, tránh khỏi thanh tra, tham nhũng... Nhưng điểm yếu là sẽ hạn chế hiệu suất vì khó ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Như vậy về dài hạn sẽ là thiệt hại lớn vì họ không có cơ hội trưởng thành, không bắt kịp tốc độ tăng trưởng và sự chuyển đổi nhanh của nền kinh tế. Hơn nữa, khi cố gắng duy trì hình thức kinh doanh phi chính thức, người kinh doanh có thể dễ dàng thỏa hiệp, làm ăn không bài bản, bỏ qua các nguyên tắc quản trị tốt và rơi vào cái bẫy không lớn lên được.
Điều này khác biệt với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với thế mạnh quản trị công ty tốt và tuân thủ sự minh bạch, khu vực doanh nghiệp FDI đã tận dụng được những ưu đãi về đầu tư cũng như những lợi ích đến từ việc cải thiện môi trường kinh doanh để nhanh chóng vươn lên, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài luôn coi Việt Nam là điểm đến làm ăn, kinh doanh hấp dẫn. Nhưng bên cạnh sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp FDI trong một thời gian dài, đã đến lúc cần phát triển nhanh, bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Bởi muốn đất nước hùng cường phải có lực lượng doanh nghiệp mạnh, với vai trò chủ đạo là doanh nghiệp tư nhân.
Giá trị của doanh nghiệp tư nhân không chỉ nhìn ở góc độ kinh tế mà còn mang yếu tố văn hóa. Phát triển doanh nghiệp tư nhân không chỉ là tài sản của một thế hệ mà phải có tính truyền đời, tức là phải hội tụ các yếu tố để phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có môi trường thuận lợi, an toàn để họ làm ăn, sinh sống, tránh tình trạng làm giàu ở đây rồi mang tài sản đi nơi khác.
Doanh nghiệp mạnh để có quốc gia thịnh vượng
Đối với người kinh doanh, ổn định chính sách vẫn là quan trọng số 1, cho nên ưu tiên chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay phải là giữ sự ổn định, nhất quán của môi trường kinh doanh.
Các chính sách cần được thiết kế và thực thi nhất quán trong bộ máy nhà nước theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Mỗi Bộ, ngành khi ban hành chính sách phải tuân thủ nguyên tắc này.
Chính sách tốt, ổn định và an toàn sẽ giúp bảo vệ các doanh nghiệp chân chính khỏi tâm trạng dao động. Và như vậy, nhà đầu tư sẽ hiểu những vụ án gần đây chính là để thiết lập lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, công bằng hơn. Doanh nghiệp tư nhân cần sự bảo đảm về nhiều mặt mới dám yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho đất nước.
Chuyến công tác tại Mỹ gần đây, tôi có cơ hội công thăm Meta (tập đoàn sở hữu Facebook). Trong các cuộc thảo luận, họ nói rất nhiều đến châu Á và cái tên được nhắc đầu tiên và nhiều nhất là Việt Nam, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là cái tên luôn được nhắc đến với sự ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng cao liên tục, quy mô dân số và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Tôi rất bất ngờ khi có những người bạn Singapore nói rằng, hiện có nhiều người Singapore sang Việt Nam khởi nghiệp. Thông tin này có thể ngược chiều với xu hướng chung, nhưng lại rất hợp lý vì Việt Nam có nhân lực tốt, quy mô thị trường lớn, có vị thế tốt trong khu vực và chi phí khởi nghiệp khá rẻ. Hiếm có thị trường nào hội tụ đủ tất cả các điều kiện này cho startup như ở Việt Nam.
Những điều đó thể hiện vị thế mới của Việt Nam. Chúng ta có thế mạnh, có môi trường tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề là làm sao có chính sách an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để giữ được tinh thần và không gian khởi nghiệp, làm sao có được thể chế tốt để doanh nghiệp lớn nhanh, tạo ra nhiều của cải vật chất đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế.
Đại dịch Covid-19 vừa qua là “thước đo” năng lực quản trị quốc gia. Qua đó bộc lộ một số điểm hạn chế của bộ máy điều hành nhưng cũng cho thấy sự thành công đến từ quyết tâm rất cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đạt được mục tiêu đề ra, như việc áp dụng các giải pháp chưa từng có tiền lệ để thần tốc thực hiện chiến lược vaccine, mở rộng tiêm chủng cho toàn dân.
Đó cũng chính là điểm sáng của nhiệm kỳ với thông điệp “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Từ bài học thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, có thể tin tưởng rằng, khi đề ra mục tiêu cụ thể và nhất quán thực hiện bằng quyết tâm cao nhất cùng với sự huy động sức mạnh của cả bộ máy, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.