Đề xuất chính sách đặc thù cho tư nhân đầu tư các dự án lớn

NDO -

Phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2021 đã diễn ra ngày 18/2 với sự tham dự của các bộ, ngành liên quan và đại diện các nhóm công tác.

Phiên họp kỹ thuật với các chủ đề: Khôi phục chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh : VBF)
Phiên họp kỹ thuật với các chủ đề: Khôi phục chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh : VBF)

Điều hành phiên họp, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là lần đầu tiên trong 24 năm diễn ra VBF, phiên kỹ thuật được họp trước để thành viên Chính phủ và các nhóm công tác của VBF có nhiều thời gian trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng 25 - 30 tỷ USD/năm

Thông tin đến nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là gói phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào triển khai thực hiện có hiệu quả.

“Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao chủ đề của VBF 2021: Phục hồi  kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới. Đây sẽ là hội nghị rất quan trọng, trao đổi thẳng thắn để từ đó xây dựng thể chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.

Ông Tetsu Funayama (Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi kinh tế và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kênh đối thoại giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.

Tại phiên họp, Trưởng Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng Trần Tuấn Phong nêu bốn vấn đề, gồm khai thác tài trợ quốc tế để hiện thực hóa tiềm năng cơ sở hạ tầng của Việt Nam; xây dựng chính sách đặc thù của ngành để cho phép đầu tư quy mô lớn và dài hạn; triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm và những khuyến nghị của Nhóm từ năm 2020.

Theo ước tính, mỗi năm Chính phủ Việt Nam có thể tài trợ từ 15 đến 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư từ 25-30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện. Do đó, mỗi năm dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, nguồn lực của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu khi mức trần nợ công của Việt Nam lên cao.

Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng khuyến nghị cần xây dựng chính sách đặc thù của ngành để cho phép đầu tư quy mô lớn và dài hạn, gồm gia hạn áp dụng biểu giá điện hỗ trợ FIT cho công suất điện gió ngoài khơi; các dự án điện LNG được miễn tham gia thị trường bán buôn điện và được hưởng biểu giá cạnh tranh cố định; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như nạo vét luồng hàng hải Cái Mép; đường Vành đai 3, đường vành đai Bến Lức-Long Thành và cầu Phước An nối Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với cụm cảng Cái Mép; phát triển năng lực vận chuyển hàng hóa mới và bổ sung tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành,...

Trước quan tâm của nhà đầu tư về định hướng phát triển kinh tế xanh theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26, đại diện Bộ Công thương thông tin, cơ quan này đang trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển năng lượng, quy hoạch điện.

Trong đó xem xét kỹ lưỡng vấn đề phát triển năng lượng tái tạo và sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam.

Dư địa đầu tư vào kinh tế số rộng mở

Đại diện Nhóm công tác Kinh tế số, ông Bruno Sivanandan cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi xã hội và tàn phá nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng đồng thời tạo ra cơ hội mới cho một số ngành nhất định. Đó là những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam tăng nhanh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư và vẫn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, Nhóm công tác Kinh tế số cũng chỉ ra một số hạn chế như khung pháp lý hiện tại của Việt Nam chưa bảo đảm sự ổn định và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của tiến bộ công nghệ. Các quy định liên quan đến an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Giải pháp được nhóm công tác khuyến nghị là khuyến khích đổi mới không gian số thông qua hệ thống thuế, tăng cường các biện pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, coi đó là chìa khóa để xây dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ, thúc đẩy chia sẻ hạ tầng và hợp tác trong nền kinh tế số, tham gia các hiệp định kinh tế số…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Chính phủ. Do đó, dư địa hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số thời gian tới là rất rộng mở.

Kết quả phiên họp kỹ thuật sẽ được báo cáo trong hội nghị chính thức của VBF 2021, diễn ra ngày 21/2/2022 tại Hà Nội.