ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.
Là nhân tố đứng giữa trong bộ tiêu chí ESG, chữ S có ý nghĩa là sự cam kết của các doanh nghiệp đối với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, trước hết là người lao động của từng đơn vị. Với một thị trường có thế mạnh về nguồn nhân lực như Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để định hình chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. |
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã nhấn mạnh phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ cũng chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, bảo đảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, và giải quyết tranh chấp lao động, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và cơ hội việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và tôn trọng sự đa dạng. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tăng cường đối thoại với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn...
Thách thức với thị trường lao động, việc làm chất lượng
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi về cách thiết lập các tiêu chuẩn lao động, thúc đẩy việc làm hạnh phúc trong doanh nghiệp theo ESG. Nhiều thắc mắc, thách thức của người tham dự đã được chuyên gia giải đáp, tư vấn xác định giải pháp cho doanh nghiệp khi đầu tư cho chữ "S", từ đó, hỗ trợ các đơn vị lên kế hoạch, chiến lược nhân sự ngắn và dài hạn, đo lường hiệu quả bài toán đầu tư.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại phiên thảo luận. |
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen, tập trung vào vai trò của nguồn nhân lực với tính bền vững của doanh nghiệp khi thực hành ESG.
Đề cập đến bối cảnh Việt Nam, bà Ingrid Christensen cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai trên toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp và nhà nước phải có các chính sách ứng phó để bảo vệ người lao động và duy trì bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, với dân số trẻ và tốc độ già hóa nhanh chóng, Việt Nam cần có các chính sách để tận dụng thời điểm “dân số vàng” này.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong công việc ngày càng phổ biến khi các doanh nghiệp gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, đi kèm tỷ lệ thâm nhập internet cao. Điều này thúc đẩy đầu tư vào kỹ năng số và môi trường làm việc thuận lợi.
Khái niệm “đối thoại xã hội” được xem là một công cụ thiết yếu. Đối thoại xã hội giúp chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động hợp tác nhằm giải quyết các tranh chấp và đạt được thỏa thuận thông qua các hình thức thương lượng tập thể.
Bà Ingrid Christensen
Với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ nhà tuyển dụng đến người lao động và các tổ chức quốc tế, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững...
Trao đổi về vấn đề thiết lập tiêu chuẩn, lực lượng lao động hạnh phúc và công việc tạo ra bền vững, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, xây dựng năng lực cho nguồn lao động từng khối ngành khác nhau cần thời gian và cần chung tay của nhiều bên liên quan, trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến đối tượng lao động trẻ, chú ý lao động nữ, yếu thế trong xã hội. Để xây dựng nhân lực bền vững áp dụng tiêu chuẩn ESG có nhiều biện pháp và không chỉ tập trung tệp người nhỏ.
Thông tin về việc thực hiện ESG trong doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đánh giá, việc thực hành chữ “S” trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc.
Theo ông Minh, thực tế trong hai năm trở lại đây, việc phát triển bền vững có sự thay đổi cấp độ vĩ mô. Còn cấp độ vi mô, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, thể hiện qua việc nhắc đến yếu tố về mặt xã hội, nhân lực được đề cập hơn những yếu tố về môi trường, quản trị.
Chính sách về môi trường, lao động mới, nhiều địa phương cũng chưa nắm được. Khi nằm trong danh sách kiểm kê lao động, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến nhân lực bền vững. Tại các địa phương rất cần có những hỗ trợ về vốn giúp thúc đẩy phát triển nhân lực bền vững...