Chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo cơ quan chức năng, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, dự kiến cần tới 180.000 người phục vụ công tác xây dựng, 13.880 người vận hành và khai thác, 700 người làm việc trong các cơ quan quản lý và đội ngũ kỹ sư tư vấn. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của dự án trọng điểm quốc gia này.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên ngành giao thông vận tải trong một chương trình thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: DUY TÙNG
Sinh viên ngành giao thông vận tải trong một chương trình thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: DUY TÙNG

Nhận thức rõ tầm mức vấn đề nguồn nhân lực, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị liên quan chuẩn bị đội ngũ và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để phục vụ nhu cầu phát triển ngành đường sắt nói chung, và dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam nói riêng. Yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực chất lượng cao phải bảo đảm khả năng tiếp nhận chuyển giao, nhanh chóng làm chủ công nghệ vận hành, bảo trì...

Đào tạo “đi trước, đón đầu”

Trong Tờ trình số 685/TTr-CP ngày 19/10/2024 của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã nêu bật phương án về đào tạo cũng như kinh phí đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, để bảo đảm nguồn nhân lực đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt; đối với đường sắt tốc độ cao, đề xuất chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo ba loại hình: đào tạo trong nước, nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước với bốn cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho năm chủ thể: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, Bộ chủ quản đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Có những nhân lực sẽ được đào tạo ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Còn theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu lao động khi dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam được triển khai, góp phần phòng, tránh rủi ro chậm tiến độ. Mặc dù Việt Nam hiện đã có khoảng 80% nhân lực đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản, nhưng vẫn cần đẩy mạnh đào tạo cho các vị trí yêu cầu kỹ năng chuyên sâu.

Dấu mốc về nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu

Ngày 25/5/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chỉ thị số 06/CT-BGTVT về tăng cường công tác quản lý các trường, học viện thuộc Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Bộ yêu cầu các trường, học viện rà soát, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo các ngành, nghề cốt lõi, phục vụ ngành giao thông vận tải; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành giao thông vận tải theo định hướng phát triển giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt lưu ý đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao... Bộ cũng yêu cầu Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải chủ động, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng định hướng phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải.

Với vai trò là trường đại học lớn đào tạo nhân lực hàng đầu của ngành giao thông vận tải, Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là cơ sở đầu tiên của Việt Nam đào tạo và tiếp cận công nghệ đường sắt tốc độ cao. Từ năm 2008, nhà trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt Metro. Những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Với những kinh nghiệm cùng thực tiễn tích lũy được, đầu tháng 10 vừa qua, nhà trường đã chính thức công bố thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, đây chính là thời điểm chín muồi để nhà trường triển khai công tác đào tạo về đường sắt tốc độ cao. Việc ra đời của Viện ở thời điểm này mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng về vai trò của trường đối với sự phát triển của hạ tầng giao thông Việt Nam.

Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự, cùng đó sẽ tạo ra các chương trình đào tạo chuyên sâu kết hợp thực tiễn doanh nghiệp, giúp sinh viên và giảng viên nắm vững kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.

Một cơ sở khác là Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo mới, phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đường sắt, rà soát điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp triết lý “Ứng dụng-Thực học-Thực nghiệp” của nhà trường. Các chương trình đào tạo với thời lượng thực hành, thực tập chiếm hơn 40% thời gian, giúp người học có thể tiếp cận công việc ngay khi tốt nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo đang áp dụng, trong năm 2025 nhà trường sẽ mở mới nhiều chương trình đào tạo liên quan đường sắt tốc độ cao như: xây dựng đường sắt tốc độ cao, tàu điện cao tốc, quản lý và điều hành vận tải đường sắt tốc độ cao...

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải chia sẻ, trường đã hợp tác với 28 đơn vị trong nước và trường đại học nước ngoài để nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ giảng viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, tọa đàm trao đổi thông tin; cải tiến chương trình đào tạo; trao đổi sinh viên; tiếp nhận sinh viên thực hành thực tập và tuyển dụng việc làm sinh viên.

“Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo cũng là chủ trương quan trọng. Nhà trường có nhiều chính sách khen thưởng, hỗ trợ học phí, giảm định mức công tác… để khuyến khích, ủng hộ cán bộ giảng viên đăng ký học tập nâng cao trình độ, như làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, học tập ngắn hạn… Thời gian tới, nhà trường chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học”, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Dự kiến chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành đường sắt tốc độ cao là 486 triệu USD, gồm: nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì; cơ quan quản lý dự án; đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo; các kỹ sư chuyên ngành đặc thù như cơ khí, điện tử viễn thông, tự động hóa...