“Điểm nghẽn” nhân lực tại Việt Nam
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững diễn ra ngày 5/12, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, một báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, ở phạm vi toàn cầu, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, trong 5 năm tới hơn 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc...
Trước thực tế đó, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã kêu gọi các chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, bởi 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, thậm chí nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế coi kỹ năng là “đơn vị tiền tệ mới” trong thế kỷ 21 bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và giúp cuộc sống tốt hơn.
Tỷ lệ người lao động trong nước được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua, đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.
Việt Nam hiện đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực. Lý do là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140, còn ở khoảng cách xa so các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
“Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế” - TS Trương Anh Dũng phân tích.
Bốn đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng.
Theo Tổng cục Thống kê, quý III/2021 cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ tháng 7 đến giữa tháng 9 vừa qua, có tới 1,3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê.
Các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vaccine, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại.
Tăng thời gian hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động theo Nghị quyết 68
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thế giới cũng đã xác định sống chung với dịch, việc ưu tiên nguồn lực cho đào tạo nghề có vai trò quan trọng, góp phần tạo nguồn cung lao động chất lượng cao, kỹ năng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững...
Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, trước mắt, cần cho kéo dài ít nhất một năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Thực tế, chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là các doanh nghiệp đang phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm.
Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.
Bởi thực tế vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thải. Do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm.
Chính sách này sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp… đào tạo họ để họ quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam, rồi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới...
Về trung và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề. Đây là điểm nhấn khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao, nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm.
Cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, bởi đây cũng là thời điểm tốt cho sự hợp tác hai bên...
Một nghiên cứu mới đây của ManPowerGroup và Viện Khoa học lao động xã hội Việt Nam cho thấy, 94% doanh nghiệp FDI sẽ ứng dụng công nghệ mới trong vòng 3 năm tới.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 48% lao động cần đào tạo lại, trong khi 53% doanh nghiệp trong nước không dự báo được kỹ năng tương lai cho lao động của mình.
Còn trong khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 68% cơ sở đào tạo ở Việt Nam chưa sẵn sàng với những thay đổi do Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới.