Làm rõ lý do Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân

NDO - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00

Chấn chỉnh, kiến nghị xử lý 696 cá nhân vi phạm qua thanh tra

Sáng 26/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Làm rõ lý do Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Báo cáo nêu rõ, trong năm, các cơ quan hành chính đã tiếp 363.245 lượt người về 290.497 vụ việc, có 3.687 đoàn đông người.

Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 453 lượt người về 392 vụ việc. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 7 lượt người. Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kết quả đã kiểm tra, rà soát 806/1.003 vụ việc (80,4%), còn 197 vụ việc (19,6%) các địa phương chưa có kết quả kiểm tra, rà soát.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/11/2024.

Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước không có vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Làm rõ lý do Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân ảnh 2

Quang cảnh phiên họp sáng 26/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Các cơ quan hành chính đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước về trách nhiệm công vụ, đồng thời, đã tiến hành 1.228 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị xử lý đối với 169 tổ chức, 696 cá nhân có vi phạm.

Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện 217 cuộc thanh tra, kiểm tra. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện 73 cuộc thanh, kiểm tra. Kiểm toán nhà nước thực hiện 12 cuộc kiểm tra.

Tiếp công dân cấp Bộ chỉ đạt 48%

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với năm 2023, công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm cả 3 tiêu chí (giảm 7,2% về số lượt, 7,3% về số người và 1,5% về số vụ việc); số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ giảm 16,8%, đến các bộ, ngành giảm mạnh 39,6%.

Việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (92%), tiếp theo là cấp huyện (85%) và cấp tỉnh (81%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ chỉ đạt 48%.

Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Làm rõ lý do Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cũng theo cơ quan thẩm tra, năm 2024 các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 480.233 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng 6%; đã xử lý 471.229 đơn, chiếm tỷ lệ 98,1%. So với năm 2023, số đơn do các cơ quan tiếp nhận đều tăng, ở Thanh tra Chính phủ tăng 6,8%, ở các Bộ, ngành trung ương tăng 13,4%, ở các địa phương tăng 4,3%.

Tuy nhiên, trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 80% (năm 2023 là 76,8%), trong đó ở Thanh tra Chính phủ là 99,5%, ở Bộ, ngành là 60%, ở địa phương là 84,3%.

Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các Bộ, ngành nhưng số đơn đủ điều kiện xử lý lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ở địa phương để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỉ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4% cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập.

Người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.