Đồng Tháp phát huy vai trò Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” ra đời đã góp phần quan trọng trong việc kịp thời phát hiện đám cháy, hơn hết là nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng hộ dân trong công tác phòng cháy ngay từ cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khóm 1, phường 2, thành phố Sa Đéc thực hành chữa cháy theo tình huống giả định. (Ảnh: Công an cung cấp)
Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khóm 1, phường 2, thành phố Sa Đéc thực hành chữa cháy theo tình huống giả định. (Ảnh: Công an cung cấp)

Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại Tổ nhân tự quản số 3 thuộc khóm 1, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ra mắt vào năm 2023 với 17 hộ dân tham gia. Đó là những hộ dân thuộc nhà để ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.

Nhà ở san sát, gần với khu vực chợ Sa Đéc nên việc thành lập Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy được người dân ở đây rất đồng tình, ủng hộ và xem đây là việc làm rất cần thiết.

Kể từ khi thành lập đến nay, từng hộ dân trong tổ thường xuyên được nghe tuyên truyền, hướng dẫn chữa cháy bằng những công cụ, phương tiện có sẵn tại nhà, đồng thời, được Công an thành phố Sa Đéc tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy mức độ 1.

Bằng tình huống thực tế, mỗi thành viên trong tổ đã có những kiến thức, kỹ năng xử lý cơ bản khi phát hiện đám cháy.

Ông Nguyễn Kim Quang ở khóm 1, phường 2, thành phố Sa Đéc cho biết: “Với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, bản thân thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình cẩn thận sử dụng nguồn nhiệt trong sinh hoạt. Phối hợp cảnh sát khu vực kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các hộ sắp xếp hàng hóa thông thoáng; thường xuyên kiểm tra công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và những người chung quanh”.

Mỗi hộ dân trong tổ đều tự trang bị bình chữa cháy xách tay, chuông báo cháy liên động và 1 bộ dụng cụ phá dỡ. Đây là những công cụ, phương tiện tuy đơn giản nhưng lại là những vật dụng hết sức cần thiết khi có đám cháy xảy ra.

Trung tá Thạch Mẫn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã chủ động tham mưu Đảng ủy, Ban lãnh đạo Công an thành phố tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo từng đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải là người đi đầu trong việc tự trang bị bình chữa cháy xách tay.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và Công an là lực lượng nòng cốt, phối hợp đến từng hộ gia đình vận động, hướng dẫn cho người dân nắm lợi ích, tác dụng của việc trang bị bình chữa cháy đối với hộ gia đình và thành viên trong tổ liên gia trên địa bàn quản lý”.

Đồng Tháp phát huy vai trò Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy ảnh 2
Công an thành phố Sa Đéc thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh: Công an cung cấp)

Thời gian qua, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tự trang bị máy chữa cháy, xe kéo, vòi, bình chữa cháy… để phục vụ cho công tác phòng chống cháy, nổ. Dù số tiền bỏ ra cũng không hề nhỏ với gần 30 triệu đồng, nhưng các hộ dân trong tổ đã tự nguyện đóng góp với mong muốn bảo vệ an toàn cho gia đình và bà con lối xóm. Định kỳ, tổ còn phân công thành viên kiểm tra khả năng vận hành của máy chữa cháy.

Thao tác phối hợp thuần thục, nhịp nhàng giữa những hộ dân trong tổ cho thấy vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã được nâng lên rõ rệt.

Trung tá Nguyễn Quốc Thông, Phó Trưởng Công an xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Thời gian qua, mô hình này được nhân rộng, triển khai trên toàn xã; chủ động theo phương châm "4 tại chỗ". Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy định kỳ hằng quý họp để rút kinh nghiệm, đồng thời thông tin lại cho Công an xã để nắm thông tin. Thời gian qua trên địa bàn xã Bình Thạnh chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào”.

Xã Bình Thạnh hiện nay có 4 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy với 3 ấp, mỗi tổ trung bình có từ 14 hộ dân đều tự trang bị những công cụ, phương tiện cần thiết bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy.

Dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng các thành viên trong tổ vẫn dành nhiều thời gian để chia sẻ những kiến thức, kỹ năng khi phát hiện đám cháy, cách thoát nạn trong đám cháy và công tác chữa cháy qua việc tận dụng các công cụ, phương tiện sẵn có.

Đồng Tháp phát huy vai trò Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy ảnh 3
Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh vận hành máy bơm chữa cháy tự trang bị. (Ảnh: Công an cung cấp)

Qua tích lũy kinh nghiệm và học hỏi, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy xã Bình Thạnh là đội thi giành giải nhất Hội thi Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh và đại diện cho tỉnh Đồng Tháp xuất sắc đạt giải nhất tại hội thi cấp khu vực (có 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long dự giải). Tổ cũng đạt thứ hạng 6/19 đội tham gia Hội thi vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Ông Đặng Văn Mãi, Tổ trưởng Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, khẳng định: “Qua mấy vòng thi thì bản thân đúc kết được nhiều kiến thức, kỹ năng về xử lý tình huống trong phòng, chống cháy, nổ. Các thành viên trong tổ đều hoàn thiện những bước xử lý tình huống cũng như cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và đồng thời qua hội thi, chúng tôi đã truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cho người dân”.

Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 612 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 496 “Điểm chữa cháy công cộng” bảo đảm tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Việc thành lập và duy trì hoạt động của tổ liên gia theo phương châm “4 tại chỗ” không chỉ giúp cho người dân trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy mà còn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống cháy, nổ, nhất là kịp thời phát hiện, xử lý rủi ro cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan sang các hộ, khu vực khác trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến chữa cháy.

Thượng tá Nguyễn Phi Vân, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Để nhân rộng mô hình này, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung rà soát các hộ gia đình thuộc diện phải thành lập Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy để vận động người dân hưởng ứng tham gia và tự trang bị mua sắm các phương tiện, công cụ như chuông báo cháy, kẻng, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ...

Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, tích cực tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa phương để góp phần mang lại bình yên cuộc sống tại mỗi gia đình, khu dân cư”.

Khi tham gia vào Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, các hộ gia đình sẽ cảm thấy an tâm hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong sinh hoạt thường ngày. Hơn hết, còn có sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, góp phần thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.