Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức.
Tham dự hội thảo, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, đại diện lãnh đạo 15 tỉnh miền núi phía Bắc và đại diện Cơ quan phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Trước khi diễn ra hội thảo chính thức, các đại biểu đã dành một ngày tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu của tỉnh Sơn La.
Sau một ngày làm việc, hội thảo đã thông qua hai báo cáo chuyên đề, hàng chục ý kiến phát biểu tâm huyết, thấu đáo về vấn đề dân tộc, miền núi.
Hội thảo nhất trí cao nhận định: T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược, do đó, trong quá trình đổi mới, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, những năm qua, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.
Tuy nhiên, hiện nay, lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong, kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, để khắc phục những tồn tại được chỉ ra cũng như phát huy những mặt tích cực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị:
Đối với các tổ chức quốc tế, Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã, trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đối với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ: chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia; lựa chọn một số việc, một số địa phương để chỉ đạo điểm và chọn thêm tỉnh Thanh Hóa; kết hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức Hội nghị triển khai ở khu vực miền Tây Thanh Hóa. Cụ thể là ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có quan tâm vùng Tây Nghệ An, Tây Hà Tĩnh.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bố trí đủ nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đồng bộ, hiệu quả; xây dựng bộ công cụ đánh giá sự phát triển về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đánh giá, công bố các chỉ số 5 năm một lần theo nhiệm kỳ của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan khác, đề nghị thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo chức năng nhiệm vụ và theo Nghị quyết số 12 ngày 15-2-2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Các địa phương, các tỉnh miền núi được thụ hưởng chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước; quyết tâm chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định nhu cầu đào tạo, xác định phương thức đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực.
Đồng thời, các tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp được trang bị các kiến thức, kỹ năng tại các trường nghề, các trường đào tạo về nông nghiệp và phát triển nông thôn về công tác tại địa phương; quan tâm việc bố trí, sử dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương.
Nhân dịp hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trao tặng 150 suất quà gửi tới cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong vòng một năm với trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện Lễ trao tặng nhà lớp học cho một điểm trường của huyện Sốp Cộp, với diện tích xây dựng 125m2, trị giá 400 triệu đồng.