Phát triển nghề cá bền vững: Thay đổi nhận thức của ngư dân

Hơn 7 năm qua, các ban, bộ, ngành, các địa phương ven biển đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường EU, mà còn góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi từ đánh bắt tự phát sang phát triển nghề cá chuyên nghiệp, bền vững còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Bộ đội Biên phòng Nghệ An kiểm tra, nhắc nhở ngư dân tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản.
Cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Bộ đội Biên phòng Nghệ An kiểm tra, nhắc nhở ngư dân tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản.

Nghề cá gắn liền với sinh kế của hàng triệu ngư dân, đồng thời góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bằng nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, kiên trì, quyết liệt trong quản lý, xử lý vi phạm, các địa phương ven biển đang giúp ngư dân dần thay đổi nhận thức từ đánh bắt tự phát sang phát triển nghề cá chuyên nghiệp, tuân thủ đầy đủ các quy định về đánh bắt hải sản.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 84.700 tàu cá, trong đó có hơn 28.800 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Theo quy định, các tàu có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi đi biển và không được ngắt hoặc để mất kết nối. Từ chỗ nhiều ngư dân, chủ tàu còn trốn tránh, chưa tự giác lắp đặt VMS hoặc cố tình ngắt kết nối thiết bị, đến nay tỷ lệ lắp đặt VMS đã đạt 100% với những tàu đi khai thác (còn khoảng 2% chưa lắp đặt là tàu không đi khai thác, nằm bờ), trong đó có rất nhiều chủ tàu đã chủ động lắp đặt hẳn hai, ba thiết bị VMS của các nhà mạng khác nhau, đề phòng mất kết nối khi đi biển.

Lắp thêm VMS để tránh mất kết nối

Phó Chi Cục trưởng Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An Chu Quốc Nam cho biết, để tuân thủ quy định lắp VMS, đề phòng mất tín hiệu khi đang khai thác trên biển, nhiều ngư dân của tỉnh Nghệ An đã trang bị hai máy VMS của nhà mạng Vinaphone và Viettel. Tính đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh Nghệ An có 416 tàu lắp song song hai thiết bị VMS, trong đó, huyện Quỳnh Lưu có 111 tàu, huyện Diễn Châu 50 tàu, thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò có 255 tàu.

Anh Phạm Văn Bắc ở cảng cá Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, chủ tàu mang số hiệu NA90617TS cho biết: Tàu của tôi dài 23m, thuộc diện phải lắp VMS khi đi khai thác hải sản. Trước đây, do mất tín hiệu, tôi bị phạt hơn 20 triệu đồng. Hiện nay, tôi và nhiều chủ tàu đã chủ động trang bị hai hệ thống VMS để đề phòng mất tín hiệu ngoài khơi. Tuy tiền thuê bao hằng tháng hơn 500.000 đồng, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận để thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Từ khi lắp hai thiết bị VMS và cắt cử người ở nhà theo dõi VMS qua hệ thống, chúng tôi rất yên tâm khi đi khai thác hải sản hàng chục ngày trên biển.

Nhận thức rõ lợi ích của việc khai báo đầy đủ thủ tục khi xuất cảng, nhập cảng, lắp VMS sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cao và bền vững, anh Lương Hồng Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chủ tàu mang số hiệu HT90280 cho biết: Nhờ việc tuân thủ đúng quy định khai báo khi ra vào cảng, ghi nhật ký đầy đủ, có đánh dấu bằng tọa độ nơi khai thác, cho nên sản phẩm mực tươi của tôi tiêu thụ khá tốt, do khách hàng tin tưởng vào chất lượng và nguồn gốc. Các phần mềm giám sát ngoài chức năng kiểm tra, giám sát, cảnh báo, còn giúp ngư dân rất nhiều trong quá trình khai thác trên biển.

Dẫu biết rằng, nhiều người dân có tâm tư, nguyện vọng được ra khơi khai thác thủy sản để trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng, cho con đi học, nhưng vì tàu thuộc diện “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) cho nên chúng tôi vẫn phải kiên quyết để nằm bờ.

Trạm trưởng Trạm kiểm ngư Lạch Bạng Trần Văn Đức (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Khi trời gió bão, hay thủy triều xuống thấp, ngư dân dựa vào phần mềm giám sát để đo thủy triều, tìm luồng lạch ra vào cảng cá. Do đánh bắt thủy sản được tuân thủ đúng quy định, cho nên nguồn lợi thủy sản của địa phương cũng tái sinh tốt. Anh Lương Hồng Hải cho biết thêm: Năm nay nguồn thu từ mực rất nhiều. Trước đây phải đi xa mới có mực, thì hiện giờ ra biển tầm 15 hải lý là đã khai thác được. Sản lượng đánh bắt có ngày đạt tới 100 kg. Từ đầu năm đến nay, thu nhập của tôi được khoảng hơn một tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái.

Trạm trưởng Trạm kiểm ngư Lạch Bạng Trần Văn Đức (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau thời gian dài triển khai công tác chống khai thác IUU, nhận thức của ngư dân chuyển biến tốt, tuy nhiên sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do còn nợ ngân hàng tiền mua tàu. Dẫu biết rằng, nhiều người dân có tâm tư, nguyện vọng được ra khơi khai thác thủy sản để trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng, cho con đi học, nhưng vì tàu thuộc diện “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) cho nên chúng tôi vẫn phải kiên quyết để nằm bờ.

Để giúp đỡ người dân về lâu dài, chúng tôi vừa phải kiên quyết, vừa tuyên truyền, thuyết phục ngư dân sớm hoàn thành đầy đủ các quy định, không thực hiện các hành vi khai thác trái pháp luật. Thực hiện quản lý chặt trên biển, xử lý nghiêm trên bờ, trong năm nay, chúng tôi đã phải xử phạt hai trường hợp khai thác sai vùng, xử phạt mất kết nối VMS 2 trường hợp với mức phạt 25 triệu đồng/trường hợp.

“Dân vận khéo” chống khai thác IUU

Kỳ Anh là một trong những huyện thuần nông của tỉnh Hà Tĩnh, đời sống của người dân ở địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Tuy huyện có 24 km bờ biển, nhưng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do tình trạng đánh bắt IUU. Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành cho biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không tuân thủ quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, địa phương đã tổ chức quán triệt, tìm tòi cách thức chuyển tải vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Nội dung của mô hình “Dân vận khéo” là phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định phòng chống khai thác IUU; phòng chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển đã được triển khai ở huyện Kỳ Anh, với kỳ vọng tạo tiền đề để cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào đời sống nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) Dương Xuân Sáu cho biết, trước đây, mặc dù xã luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt hải sản bằng kích điện, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Kể từ khi huyện thành lập mô hình “Dân vận khéo”, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với sự phối hợp của nhiều lực lượng, cho nên đã tạo được sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong nhận thức và hành động từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đến ngư dân.

Sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong quá trình chống khai thác IUU, chính trị viên Đồn Biên phòng Kỳ Khang, Trung tá Nguyễn Đức Thiện cho biết, đơn vị đã tăng cường lực lượng, phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của luật pháp quốc tế.

Ông Cao Xuân Điền, ở thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân cho biết, qua hơn bốn tháng tham gia mô hình “Dân vận khéo” chống khai thác trái phép thủy sản trên địa bàn, nhận biết về tác hại từ việc đánh bắt trái phép của hầu hết người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều ngư dân đã tự nguyện đến trụ sở công an xã giao nộp dụng cụ đánh bắt trái phép. Môi trường, môi sinh cũng như nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu được tái tạo, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm cho nhân dân trong quá trình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong quá trình chống khai thác IUU, chính trị viên Đồn Biên phòng Kỳ Khang, Trung tá Nguyễn Đức Thiện cho biết, đơn vị đã tăng cường lực lượng, phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của luật pháp quốc tế. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên đồng hành, hỗ trợ nâng cao năng lực chủ động ứng phó thiên tai, tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cho các lực lượng chức năng và ngư dân.

Được biết, không chỉ tại xã Kỳ Xuân, mô hình “Dân vận khéo” chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng được ngư dân các xã vùng biển Kỳ Phú, Kỳ Khang... triển khai quyết liệt và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sau hơn 4 tháng ra mắt và đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua nắm bắt thông tin từ ngư dân, thời gian gần đây, ngư trường tại các xã vùng biển đã xuất hiện trở lại nhiều loài hải sản như: Tôm, ghẹ, cá, mực di cư gần bờ; sản lượng khai thác trong quý III tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Kỳ Anh, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, thời gian tới, huyện Kỳ Anh sẽ thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác IUU. Kiên quyết ngăn chặn các tàu cá xuất bến không đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh tàu cá ngắt kết nối VMS; xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm.

(Còn nữa)