Đó là chủ đề được nêu tại Hội thảo trực tuyến tham vấn quốc tế về Định hướng chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức vào sáng 28/10, tại Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham dự của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ một số trường đại học và tổ chức quốc tế trên thế giới,
Theo dự thảo, việc phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu chung nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân. Phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn hướng đến 12 mục tiêu cụ thể khác, như: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các Quỹ bảo hiểm theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; mở rộng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trở thành một tổ chức an sinh xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, sau hơn 26 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng được cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về những thành công và phát triển so với các hệ thống an sinh xã hội tại các quốc gia có GDP và trình độ phát triển tương đồng.
Quỹ Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam trở thành quỹ an sinh xã hội lớn nhất, được quản lý thống nhất, an toàn và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của kinh tế đất nước; mô hình quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội thống nhất toàn quốc đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng khu vực và thế giới…
Đặc biệt, Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 thông qua các giải pháp: đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử; chi trả kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được thụ hưởng chính sách một cách thuận tiện và bảo đảm phòng chống dịch... góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh với phát triển kinh tế và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự trao đổi và thảo luận nhiều nội dung như: định hướng chiến lược đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chiến lược bảo hiểm y tế và lộ trình bao phủ y tế toàn dân; thách thức và xu hướng phát triển an sinh xã hội toàn cầu…
Đề án đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030:
- Đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi;
- Khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội;|
Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.