Ngày 20/4, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch".
Tại đây, các đại biểu tham dự đều thống nhất giai đoạn 2020-2021 được xem là những năm chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại nhiều khu vực, ngành nghề khác nhau.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương Lại Việt Anh chia sẻ, đại dịch Covid-19 là thảm họa cho thế giới và gây khó khăn rất lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đây lại được xem là cơ hội, cú hích để thương mại điện tử và các nền tảng số phát triển.
Cụ thể, trong 2 năm qua đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường, trong đó 55% đến từ các khu vực ngoài những thành phố lớn và 99% người tiêu dùng cũng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.
Mặt khác, trong đại dịch Covid-19, các nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch.
Đơn cử, khi hệ thống phân phối bị đứt quãng, Bộ Công thương đã tổ chức gian hàng trực tuyến giúp cho người sản xuất có thể phân phối thẳng sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng.
Nhờ đó, khoảng 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được bán qua các nền tảng thương mại điện tử chỉ trong vòng 2, 3 tháng với hơn 1 triệu đơn hàng. Hay số liệu từ Amazon cho thấy, đã hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam đưa 7,2 triệu sản phẩm ra thế giới.
“Những thí dụ sinh động trên cho thấy, nền tảng số đã giúp kết nối cung cầu, giúp cho khâu phân phối và lưu thông hàng hóa trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch được khả thi và chúng tôi tin tưởng những mô hình này còn phát triển hơn sau đại dịch. Đây là một tiềm năng vô tận mà thương mại điện tử mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng mang lại cho người tiêu dùng cơ hội có thể tiếp cận được với những hàng hóa chất lượng”, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh nói.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nền tảng số trong thời gian dịch bệnh đã giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ hay giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng và nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo “Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á” của Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (TFGI) cho thấy, chuyển đổi số đã hỗ trợ việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn, với mức độ minh bạch thông tin ngày càng cao thông qua các nền tảng số; khoảng cách địa lý ngày càng mờ nhạt.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua nền tảng số có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp lần đầu có thể xuất khẩu nhờ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Kinh tế số đã làm thế giới nhỏ lại, nhưng lại giúp doanh nghiệp nhỏ lớn lên và vượt qua bất lợi về quy mô. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp sống còn hiện nay đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khái niệm kinh tế số cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn thay vì chỉ đặt các mô hình kinh doanh cũ lên môi trường số. Theo đó, các doanh nghiệp cần thay đổi căn bản cả mô hình kinh doanh của mình, từ đó tạo ra sự nhảy vọt về năng suất và năng lực cạnh tranh. Việc chuyển đổi số của doanh nghiệp cần tiếp cận theo xu hướng đó chứ không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ số.
Ngày 12/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó có nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, Chính phủ cũng tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra 5 nhóm mục tiêu đến năm 2025 gồm: cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia.
Tuy nhiên, khái niệm nền tảng số, các chính sách, cũng như môi trường để thúc đẩy và phát triển tối đa vai trò của nền tảng số tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, kinh tế Việt Nam về cơ bản là kinh tế tuyến tính. Do đó, cần phải phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số song song cùng 1 lúc. Các nền tảng chính là phương tiện giúp chúng ta triển khai đồng thời nền kinh tế "3 trong 1" đó.
Có thể nói, gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ quản lý nhà nước đối với kinh tế truyền thống. Bởi vậy, khi thay đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế chắc chắn kéo theo thay đổi hành lang pháp lý.
Thí dụ như kinh tế tuyến tính xem rác là chất thải bỏ đi, còn tốn tiền để xử lý, còn nền kinh tế tuần hoàn thì xem rác là nguồn tài nguyên cho 1 quy trình sản xuất mới. Vậy là chính sách về xử lý môi trường phải thay đổi.
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất là trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng nền tảng số là sự xuất hiện của các cơ chế tự động thông minh trong quy trình sản xuất, từ quan hệ khách hàng đến văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động,… trong đó có những hoạt động chưa có luật hướng dẫn.
Thực tế, trong thời gian qua, chính phủ nhiều nước ASEAN đã có không ít sáng kiến để hỗ trợ cho chuyển đổi số doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Tuy vậy, nhìn chung các hỗ trợ còn hạn chế, vì vậy cần được nghiên cứu cụ thể và tiến hành dài hơi, bài bản hơn, đồng thời cần tổng kết các mô hình tốt, đúc rút kinh nghiệm để được nhân rộng.
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số, Giám đốc kinh doanh Công ty Novaon Tech Lê Trọng Tuấn kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện để đơn vị cung cấp giải pháp, nền tảng số tiếp cận dễ dàng hơn với doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và ngược lại.
Đó có thể là những hỗ trợ về truyền thông chi tiết hơn, cụ thể hơn để tạo sự kết nối tốt hơn và lúc đó cả việc cung cấp giải pháp lẫn doanh nghiệp đều có lợi.