Phát triển mô hình bác sĩ gia đình

Mô hình bác sĩ gia đình góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Tại thành phố Cần Thơ, các phòng khám bác sĩ gia đình đã được thành lập, từng bước thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng khám bác sĩ gia đình phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Phòng khám bác sĩ gia đình phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Thành lập chưa lâu nhưng các phòng khám bác sĩ gia đình tại Cần Thơ ghi nhận số người bệnh đến khám đã tăng đáng kể. Nhiều người cảm thấy khá mới mẻ với loại hình dịch vụ y tế này, nhưng nhìn chung phần lớn đều hài lòng.

Anh Nguyễn Hải Lăng ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Tôi thấy dịch vụ này phát triển khá hiệu quả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay. Ở Cần Thơ, dù ban đầu chỉ có ba phòng khám, nhưng tôi nghĩ dần dần sẽ được nhân rộng hơn. Từ giờ, với những bệnh thông thường, thay vì đến bệnh viện, các thành viên trong gia đình tôi sẽ đến khám với bác sĩ gia đình. Chắc chắn sẽ rất an tâm khi bác sĩ ở đây có thông tin đầy đủ về sức khỏe của mình”.

Tại phòng khám bác sĩ gia đình phường Thường Thạnh (quận Cái Răng), một người cao tuổi cho biết: “Trước đây, tôi ngại đi bệnh viện khi đau ốm vì ngại xếp hàng, lấy thuốc. Nghe tin phường có phòng khám bác sĩ gia đình, tôi liền đến khám. Khám ở đây vừa nhanh, vừa tiện lợi, thuốc men lại đầy đủ. Tiện nhất là các bác sĩ sẽ có thời gian quan tâm hơn đến lịch sử sức khỏe của mình, như thành viên trong gia đình vậy”…

Mặc dù đã có nhiều người bệnh đến khám tại các phòng khám bác sĩ gia đình, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, chừng đó vẫn ít hơn rất nhiều so với các phòng khám khác trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Với nhiều người dân địa phương, họ vẫn chưa hiểu rõ về lợi ích của loại hình dịch vụ y tế này.

Bác sĩ Trương Thanh Hội, Trưởng phòng khám bác sĩ gia đình phường Thường Thạnh cho biết, trước đây, tại trạm y tế phường, mỗi ngày chỉ lác đác một vài người bệnh đến khám. Bây giờ, mỗi ngày ít nhất cũng có hơn chục người, đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả phòng khám. Nhiều người vẫn nghĩ, phòng khám bác sĩ gia đình như trạm y tế trước đây, nghèo nàn về trang thiết bị. Đến nay, phòng khám về cơ bản đã được trang bị khá đầy đủ các loại máy móc khá hiện đại, như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm sinh hóa...

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, để phát triển mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, địa phương vẫn còn một số khó khăn. Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định 7 vị trí việc làm tại trạm y tế xã chưa phù hợp với việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi. Cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin chỉ ở mức cơ bản. Kinh phí triển khai chuyển đổi số hạn hẹp... Trong khi đó, để phát triển mô hình này, cần đào tạo bác sĩ gia đình như một chuyên khoa riêng biệt. Quy định tiêu chuẩn phòng khám bác sĩ với danh mục kỹ thuật được thanh toán toàn diện như thuốc, vắc-xin. Xây dựng chính sách thanh toán bảo hiểm cho bác sĩ gia đình. Kết nối thông tin dân số với dữ liệu y tế...

Về phía cơ sở, vấn đề con người là rất quan trọng để phát triển mô hình bác sĩ gia đình. “Lấy thí dụ, phòng khám của chúng tôi, chỉ có tôi là thường trực, cho nên nhiều khi có việc đột xuất, họp hành thì phòng khám không có bác sĩ phục vụ người bệnh. Hiện, chỉ mới có các bác sĩ tăng cường từ các bệnh viện khác, nhưng các bác sĩ này không cố định. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tương tác với người bệnh, trong khi đây lại là yêu cầu đối với một bác sĩ gia đình. Chúng tôi rất cần bổ sung thêm bác sĩ làm việc cố định tại phòng khám”, bác sĩ Trương Thanh Hội chia sẻ. Việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của phòng khám bác sĩ gia đình cũng rất quan trọng. Đời sống người dân khá lên, nhiều sự lựa chọn trong khám, chữa bệnh ban đầu vì có không ít bệnh viện, phòng khám trên địa bàn. Do vậy, cần phải làm sao cho bà con thấy được lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tường Kha, Phó Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình là rất cần thiết. Đây là người theo dõi định kỳ tình trạng sức khỏe của toàn bộ các thành viên trong gia đình; phát hiện sớm các bệnh tật cũng như lưu trữ hồ sơ sức khỏe và phối hợp bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị tối ưu cho từng người... Mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta còn mới và chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng. Nguồn nhân lực được đào tạo, có chuyên môn về y học gia đình chưa nhiều; không có cơ chế tài chính để bảo đảm nguồn thu; thanh toán bảo hiểm y tế các dịch vụ mô hình bác sĩ gia đình gặp khó khăn.

Phía người bệnh, không ít người vẫn nhầm lẫn giữa bác sĩ gia đình và bác sĩ điều trị tại nhà. Vì vậy, để phát triển mô hình này, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông đến người dân; đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở và cần có cơ chế, chính sách cho hạ tầng, nhân lực...■