Bến Tre hiện có hơn 80.000 ha dừa và hơn 70% dân số của tỉnh sống nhờ vào cây dừa. Trong đó, dừa tươi uống nước hơn 16.000 ha, chủ yếu là dừa xiêm.
Gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng ở xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại đã chuyển từ 2 ha nhãn xuồng sang trồng dừa xiêm xanh. Trung bình mỗi tháng, vườn dừa cho thu hoạch khoảng 14 nghìn trái, mang lại thu nhập cho gia đình ông Hoàng hơn 30 triệu đồng. Ông Hoàng bộc bạch: “Hy vọng giá dừa giữ ở mức ổn định để người dân an tâm gắn bó với vườn dừa. Hiện dừa tươi loại 1 được thương lái thu mua tại địa phương với giá trung bình khoảng 4 nghìn đồng/trái, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 nên nông dân rất phấn khởi”.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hiệp có 107 thành viên chuyên trồng nhãn, dừa xiêm xanh. Trong đó, diện tích dừa xiêm xanh là 150 ha và đang xây dựng ba mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sang Trung Quốc. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hiệp Lê Quốc Dũng cho biết, Hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ với ba công ty chuyên thu mua dừa tươi để bán trong nước và xuất khẩu. Trong đó, đang xây dựng ba mã số vùng trồng với diện tích 80 ha để phục vụ xuất khẩu...
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã có 133 mã số vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và
28 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp này mà hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
Theo Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, năm 2023, Việt Nam gửi hồ sơ xin mở cửa thị trường cho quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc. Gần một năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam vào thị trường tỷ dân này.
Dừa tươi của Bến Tre nổi tiếng với hương vị ngọt thanh đặc trưng. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, quả dừa tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 14 quốc gia với sản lượng hơn 27 triệu trái/năm…
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt cho hay, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa với khoảng 1,9 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, tỉnh Bến Tre đóng góp rất lớn, năm 2022, đạt tới 688 triệu quả. Trong thời gian tới, các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật như đã đề cập tại Nghị định thư và các quy định liên quan. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm dừa Việt Nam ở thị trường Trung Quốc mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới…
Xuất khẩu các sản phẩm từ dừa giúp tỉnh Bến Tre thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến, nếu tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc thì có thể đem lại thêm 200 đến 300 triệu USD ngay trong năm 2024 này, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm đạt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Bến Tre có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Khi dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để dừa xiêm xanh của tỉnh Bến Tre mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, hướng đến phát triển ngành dừa ngày càng bền vững hơn…■