Phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng

Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua Nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố với kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2024 là hơn 99,5 tỷ đồng. Ðây là nguồn lực quan trọng để phát triển mạng lưới cộng tác viên trong chăm sóc sức khỏe người dân, là cánh tay nối dài cho hệ thống y tế cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế Phường 1, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế Phường 1, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tìm giải pháp cho quá tải y tế cơ sở

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nhân viên y tế cơ sở quá tải công việc khá phổ biến. Số nhân viên tại mỗi trạm y tế dao động từ 5-10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ hơn 100.000 dân). Ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe: Lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng, phòng chống Covid-19, truyền thông y tế…

Do đó, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được yêu cầu công việc, dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến người dân.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Với đặc thù là đô thị đông dân cư như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi trạm y tế phường, xã chịu trách nhiệm quản lý và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều người dân. Do đó, bên cạnh việc củng cố và nâng cao năng lực trạm y tế thì việc huy động và phát huy hiệu quả của lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là điều cần thiết, thậm chí cần được ưu tiên nhất khi triển khai các giải pháp củng cố nguồn nhân lực y tế vốn đã thiếu hụt ở giai đoạn hậu Covid-19.

Nhiệm vụ của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng gồm: Hỗ trợ Trạm y tế phường, xã, thị trấn thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng như: Truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm...; lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân và chuyển thông tin về trạm y tế phường, xã, thị trấn các vấn đề liên quan sức khỏe cộng đồng; tham gia các cuộc khảo sát về sức khỏe cộng đồng, giám sát các điểm nguy cơ dịch bệnh; thực hiện các hoạt động khác của chương trình sức khỏe như rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng cần quản lý, gửi thư mời, dẫn đường...

Tăng hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng

Mới đây, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Theo nghị quyết này, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thuộc thành phố Thủ Ðức và 16 quận được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và cộng tác viên sức khỏe thuộc 5 huyện được hưởng mức hỗ trợ là 550.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình đối với các trường hợp cộng tác viên sức khỏe chưa có thẻ bảo hiểm y tế là 300.000 đồng/người/năm. Ðối tượng áp dụng gồm cộng tác viên sức khỏe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thành phố Hồ Chí Minh có gần 2,4 triệu hộ dân cư, cần 16.218 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Ðiều kiện cộng tác viên sức khỏe cộng đồng hưởng hỗ trợ, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phụ trách từ 150 đến 200 hộ dân. Riêng huyện Cần Giờ, mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phụ trách từ 50 đến 100 hộ dân.

Kinh phí dự kiến hỗ trợ cho cộng tác viên sức khỏe cộng đồng năm 2024 là hơn 99,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 75 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 12.500 cộng tác viên thuộc thành phố Thủ Ðức và 16 quận, hơn 24 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.600 cộng tác viên thuộc 5 huyện. Dự kiến hơn 4,8 tỷ đồng hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng khi tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện trong năm 2024.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết: Hiện nay quận Gò Vấp có 306 khu phố, vậy cần có ít nhất 918 cộng tác viên sức khỏe. “Chúng tôi đang cố gắng trong quý I/2024 sẽ tập trung nguồn nhân lực để kêu gọi đăng ký và tiến hành tuyển chọn. “Quá trình này cũng không phải đơn giản. Người được chọn là những tình nguyện làm công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Sau khi tuyển chọn được rồi thì còn quy trình đào tạo, tập huấn” - bác sĩ Hòa chia sẻ thêm.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng được đánh giá là “chân rết”, là “cánh tay” nối dài của ngành y tế. Không chỉ thế, họ còn giúp chính quyền các cấp có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh lây nhiễm... để đưa ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất cho từng đối tượng trong từng giai đoạn tại địa phương. Chính vì vậy, ngành y tế thành phố xác định, phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng giúp thực hiện tốt công tác truyền thông, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng; tuy nhiên cần có những khóa tập huấn thường xuyên để phát huy tốt mục đích, ý nghĩa của việc phát triển đội ngũ này.