Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố cho thấy, sau hơn bốn năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố chuyển biến tích cực, bình quân số vụ vi phạm/ngày tiếp tục giảm.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố là 142 công trình, bình quân 0,8 vụ/ngày, giảm 7,7 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 90,8%) so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.
Còn tính trong 5 năm, từ ngày 15/7/2019 đến 15/6/2024, tổng số vi phạm là 2.977 công trình, bình quân 1,6 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày (81%) so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày.
Huyện Bình Chánh là địa phương giảm số vụ vi phạm trật tự xây dựng rõ nét nhất trên địa bàn thành phố. Trước đây, Bình Chánh luôn dẫn đầu thành phố về số vụ vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2024, trên địa bàn chỉ phát sinh 42 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 26 công trình sai phép, 16 công trình không phép. Huyện đã xử lý 29 trường hợp vi phạm, đang xử lý 13 trường hợp (10 sai phép, 3 không phép). Trong sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện chỉ có hai công trình vi phạm trật tự xây dựng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, từ năm 2021 đến nay, tổng số công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Quận 1 là 22 trường hợp. Trong sáu tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm là 2, giảm đến 94,74% so với thời điểm trước khi Chỉ thị 23-CT/TU được ban hành. Tại Quận 3, trong sáu tháng đầu năm 2024, chỉ có tám công trình vi phạm trật tự xây dựng, giảm sâu so với cùng kỳ.
Một số quận không phát sinh công trình vi phạm trong sáu tháng đầu năm 2024 là: Quận 6, Quận 7, Tân Phú và Phú Nhuận. Dẫn đầu địa phương có nhiều công trình vi phạm là thành phố Thủ Đức với 52 công trình (sai phép 31, không phép 21); kế đến là Quận 8 có 26 công trình (tám công trình sai phép, 18 công trình không phép), Quận 11 và Bình Tân cùng có chín công trình chủ yếu là công trình không phép...
Riêng các huyện vùng ven có khá ít công trình xây dựng trái phép, sai phép, nhiều nhất cũng chỉ năm công trình như huyện Hóc Môn, còn lại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè chỉ có một, hai công trình.
Nói về cách làm hay trong công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh cho biết, do địa bàn của huyện rất rộng, nhất là ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng; trong khi lực lượng chuyên trách lại chỉ từ ba đến bốn người cho nên việc kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng gặp khó khăn, thách thức. Do vậy, huyện Bình Chánh đã áp dụng công nghệ thông tin sử dụng thiết bị bay viễn thám nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra vi phạm.
Tại Quận 1, bên cạnh nhóm giải pháp về nhân lực, địa phương này cũng ứng dụng phần mềm trực tuyến để quản lý. Công tác giám sát với sự phối hợp thường xuyên giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của 10 phường và các tổ chức, đoàn thể, khu phố, thông qua kênh tương tác trực tuyến (Viber, Zalo...) nên quận đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm.
Dù tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển biến rõ rệt nhưng theo đánh giá của Sở Xây dựng, vẫn còn trường hợp công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Công tác thực hiện các quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm còn chưa quyết liệt, vẫn còn tồn đọng các công trình vi phạm nhưng chưa bị xử lý.
Theo ông Trương Thái Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh. Đó là chưa kể, huyện Bình Chánh đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, thu hút số lượng lớn người dân từ các nơi khác đến sinh sống, lao động và học tập, dẫn đến áp lực rất lớn về nhà ở.
Trong khi đó, giá nhà đất ngày một tăng cao, người dân có thu nhập thấp khó tiếp cận được nhà ở; một số trường hợp người dân bị thu hồi đất nhưng số tiền đền bù không đủ để tìm nhà ở nên đành liều mua nhà đất không phù hợp quy hoạch, không có giấy tờ hợp pháp để xây dựng nhà ở. Đây là những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng không phép, sai phép có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Để công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả bền vững, ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố cho rằng, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân; chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức liên quan; thường xuyên tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát công khai minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; tăng nguồn cung nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý nhằm nâng cao tính bao quát, kịp thời, minh bạch trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.