Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục

Với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh”, năm học 2024-2025, ngành giáo dục thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.
Giờ học của các cháu mầm non Trường mầm non Tuổi thơ 7, Quận 3.
Giờ học của các cháu mầm non Trường mầm non Tuổi thơ 7, Quận 3.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới giáo dục là một yêu cầu vô cùng cấp thiết, đáp ứng các nhiệm vụ đang đặt ra cho phát triển kinh tế-xã hội và công nghệ 4.0, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Đổi mới giáo dục là tất yếu

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, đóng góp quan trọng vào GDP của cả nước, đồng thời là địa phương đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, giáo dục thành phố cần phải đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho học sinh trong môi trường quốc tế.

Theo Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng để chuẩn bị cho các cá nhân đối diện và thành công trong một thế giới luôn thay đổi. Cho nên, giáo dục trung học của thành phố đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là chuyển từ việc dạy cho học sinh biết những gì sang biết làm gì từ những điều đã biết.

Ngoài việc đẩy mạnh triển khai, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2021-2022 đến nay, ngành giáo dục thành phố thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đột phá của ngành giáo dục; cụ thể là Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp; Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; Chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình tiếng Anh tăng cường, học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các hoạt động câu lạc bộ; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế được chú trọng. Đây là những tiền đề quan trọng giúp thành phố giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tám năm liên tục.

Thành phố cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Đến nay, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã xác thực định danh với 99,36% số học sinh; 100% số quận, huyện, thành phố tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến. Thành phố Thủ Đức cũng là địa phương thực hiện thí điểm học bạ số theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã rất nỗ lực trên nhiều phương diện và đạt được kết quả vượt trội, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn của thành phố đều được nâng lên. Thành tích xuất sắc của học sinh thành phố trong năm học vừa qua là kết quả của sự cố gắng, phấn đấu trong học tập, rèn luyện của học sinh; tinh thần cống hiến đầy trách nhiệm, nhiệt huyết của đội ngũ sư phạm toàn ngành, đồng thời khẳng định hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm từ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với ngành giáo dục.

15 nhiệm vụ trong năm học mới

Năm học vừa qua là năm đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ, với nhiều chính sách, cách làm mới, góp phần đưa ngành giáo dục thành phố ngày càng phát triển. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề ra 15 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, cụ thể là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc”; triển khai kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất...

Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có đủ năng lực hội nhập quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, chính sách, đãi ngộ, hỗ trợ, khen thưởng nhằm khuyến khích giáo viên, học sinh ngành giáo dục đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, ngành giáo dục thành phố đã phát huy sáng kiến, xây dựng các giải pháp chủ động sáng tạo và đồng bộ, lộ trình triển khai phù hợp, hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số và phát triển các hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System) trong đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Do đó, ngành giáo dục thành phố cần tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình của thành phố; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thành phố chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân, người lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.